Không để bị động, bất ngờ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 quay lại Việt Nam có nhiều điểm mới đáng chú ý khi có tốc độ lây lan nhanh hơn và đã xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng, thậm chí trong một gia đình có nhiều người mắc.

Dịch Covid-19 quay lại Việt Nam có nhiều điểm mới đáng chú ý khi có tốc độ lây lan nhanh hơn và đã xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng, thậm chí trong một gia đình có nhiều người mắc.

Số ca mắc mới khá cao và có xu hướng lan rộng ra một số tỉnh, thành phố. Các chuyên gia dự báo, số lượng người bệnh còn tăng lên và sẽ đạt đỉnh dịch trong khoảng 10 ngày tới. Do vậy công tác ngăn chặn dịch cần được các ngành chức năng, mà nòng cốt là lực lượng y tế tập trung ở mức cao nhất, bên cạnh xử lý triệt để ổ dịch, cần tập trung truy vết, xét nghiệm nhanh để phát hiện ca bệnh mới, từ đó khoanh vùng (ở quy mô nhỏ nhất) để dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Những tỉnh, thành phố chưa có ca bệnh cần chuẩn bị các tình huống để không bị động, bất ngờ. Tùy thực tế của địa phương mà nâng thêm một cấp độ ứng phó dịch, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng; phân định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị trên địa bàn khi có dịch xảy ra. Đặc biệt phải lên kịch bản rất chi tiết, chuẩn bị đầy đủ cho vấn đề nhân lực. Cùng đó, tổ chức đào tạo, tập huấn ngay cho cán bộ y tế (cán bộ đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên trường y), để không bị hổng nguồn nhân lực khi dịch xảy ra trên địa bàn.

Với vai trò nòng cốt trong việc phòng, chống dịch, sở y tế 63 tỉnh, thành phố phải rà soát lại ngay các cơ sở xét nghiệm, khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm đủ tiêu chuẩn, để có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ. Các cơ sở y tế phải bảo đảm đủ trang thiết bị phòng, chống dịch, nhất là phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh cao, cũng là những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

Bài học từ sự bùng phát dịch ở Đà Nẵng cho thấy đã có sự lơ là ngay từ chính cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác phòng, chống Covid-19. Do vậy, toàn hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, phân luồng, phân tuyến thật tốt ngay từ đầu, khi không may có người bệnh thì chỉ có khu vực nhỏ mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm, không để xảy ra tình huống chỉ vì một người bệnh mà phải phong tỏa cả bệnh viện bởi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác chữa bệnh cho các người bệnh khác. Các bệnh viện cần có những phương án bảo vệ các khoa: hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo… vì nếu dịch “tiến công” vào những khu vực này, số người bị ảnh hưởng và có nguy cơ tử vong do dịch sẽ nhiều.

Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh của cơ quan chuyên môn cũng như những quy định của chính quyền địa phương trong thực hiện giãn cách xã hội...

Qua phân tích dữ liệu, kết quả xét nghiệm, tại cuộc họp sáng 6-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng ngày càng đầy đủ cơ sở cho thấy TP Đà Nẵng là ổ dịch với tâm dịch là cụm ba bệnh viện. Vì vậy cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc giãn cách xã hội trên toàn TP Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam, không để dịch lan ra bên ngoài.

Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng. Người đứng đầu các tỉnh, thành phố, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch với ý thức và quyết tâm cao nhất vì sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/khong-de-bi-dong-bat-ngo-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19--611844/