Không để cải cách bị đứt quãng

Một cách tình cờ, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được Quốc hội bàn đến đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm ra đời bộ luật quan trọng này. Thêm một lần nữa, ngọn gió cải cách của Luật Doanh nghiệp 1999 có cơ hội được lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều 20/11. Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều 20/11. Ảnh: Ngọc Thắng

Quốc hội nóng vì lo... không đủ cải cách

Luật Doanh nghiệp sửa đổi lại nóng vì… doanh nghiệp nhà nước. Vài năm trước, điều này gần như không xảy ra, kể cả khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 - vẫn được gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất, mở rộng đối tượng áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhưng lần này, đề xuất phân loại doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% phần góp vốn hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng.

“Việc mở rộng khái niệm trên tác động lớn đến nhiều doanh nghiệp, trong khi thực tế hiện nay, cơ chế quản lý khu vực này rất phức tạp; nếu mở rộng thì quá trình cổ phần hóa cũng gặp khó khăn”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lý giải.

Đây là lo ngại có thực. Mặc dù đồng tình với những thay đổi về doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ chi phối lên 75%, thậm chí có ý kiến giữ nguyên là 100%.

Ôg Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Soạn thảo chia sẻ tâm tư này, nhất là lo ngại thụt lùi về tư duy quản lý với doanh nghiệp.

“Phải nói rõ, cách phân loại này là để đảm bảo cơ chế quản trị, giám sát với doanh nghiệp tương ứng với mức vốn mà Nhà nước nắm giữ. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sẽ áp dụng quy định về tổ chức, quản lý theo Chương IV của Dự thảo; còn các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu chi phối thì áp dụng Chương Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc áp dụng Chương Công ty cổ phần. Cơ quan nhà nước khi làm việc với doanh nghiệp sẽ phải xác định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ để ứng xử, thay vì cho là doanh nghiệp nhà nước nào cũng giống nhau”, ông Hiếu giải thích.

Đặc biệt, đây cũng là giải pháp để hóa giải điểm không thành công của Luật Doanh nghiệp 2005 khi công ty hóa doanh nghiệp nhà nước gần như là hình thức, làm lỏng quản lý và kiểm soát đối với khu vực này.

“Đó mới thực sự là bình đẳng, công bẳng trong quản lý”, ông Hiếu nói.

Bài học chưa cũ

Một ngày trước phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cách Tòa nhà Quốc hội chưa đầy 500 m, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách được tổ chức.

Ngồi trên bàn chủ tọa là ông Phan Đức Hiếu. Phía dưới hội trường, rất nhiều gương mặt từng ở các vị trí quan trọng trong thiết kế phiên bản đầu tiên cũng như các lần sửa đổi sau đó của Luật Doanh nghiệp. Lần này, họ xuất hiện với tư cách chuyên gia. Đó là ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM; bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội...

Tuy nhiên, họ có mặt không vì ánh hào quang của thời đã qua.

“Tôi muốn nói nhiều về những bài học vẫn chưa được học, ít được học từ việc soạn thảo và thực thi các phiên bản Luật Doanh nghiệp, khiến quá trình cải cách của Việt Nam bị chậm lại để nhìn về giai đoạn tới”, ông Cung chia sẻ.

Phải nhắc lại, dù Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 là những cơ sở pháp lý đầu tiên định danh doanh nghiệp tư nhân, nhưng phải đến Luật Doanh nghiệp 1999, quyền kinh doanh của người dân mới được chính thức công nhận.

Nhờ vậy, Nhà nước dần làm quen với việc người dân được làm những gì pháp luật không cấm, tạo nên cuộc cách mạng lớn về thành lập doanh nghiệp. Từ vài tháng, vài tuần, giờ đây, một doanh nghiệp mới có thể ra đời sau vài giờ khởi tạo hồ sơ trên hệ thống đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, cuộc chiến với giấy phép con tuy có lúc thăng, lúc trầm, nhưng không ngừng nghỉ suốt 20 năm qua đã tạo nên hình ảnh mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam hiện tại.

“Điều tôi băn khoăn là sau 20 năm, tư duy “tiền đăng, hậu kiểm” mà Luật Doanh nghiệp 1999 khởi xướng chưa được hiểu đúng, khiến mục tiêu để doanh nghiệp là một công cụ đầu tư, kinh doanh rẻ và an toàn vẫn chưa thực hiện”, ông Cung lo ngại.

Giới chuyên gia chia sẻ điều này. Bà Chi Lan nhắc đến chức năng cơ bản của Nhà nước là khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp. Với tinh thần này, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra sẽ phải được thực hiện theo mô hình quản trị rủi ro, chỉ tập trung vào những nhóm rủi ro cao…

Nhưng nhìn vào các quy định về thanh tra, kiểm tra, cũng như cách ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước, tư duy hậu kiểm đang được đồng nghĩa với việc mở rộng thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện vi phạm để xử lý.

“Với tư duy này, việc xây dựng, thiết kế các điều luật có xu hướng khó khăn trong thực thi, để cứ thanh tra, kiểm tra là có sai phạm. Cộng với cơ chế giám sát thi hành luật, đặc biệt là giám sát công chức nhà nước kém hiệu lực, người kinh doanh luôn rơi vào thế rủi ro rất cao dù chi phí tuân thủ vẫn cao, thường thì giảm theo các đợt cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ khởi xướng”, bà Chi Lan nói.

Cải cách tại một vài luật là không đủ

Điều đáng nói là, các bài học chưa cũ lại không chỉ dành cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp đợt này.

Bà Chi Lan cho rằng, nếu không lan tỏa được tinh thần cải cách, những bài học trong xây dựng, thiết kế và thực thi Luật Doanh nghiệp tới các văn bản khác, thì những nỗ lực cải cách không thể phát huy tối đa hiệu quả.

“Khi tham gia soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất áp dụng phương pháp đánh giá, dự báo tác động (RIA) và được Thủ tướng chấp thuận. VCCI đồng thời rà soát 800 văn bản liên quan, và cho ra một báo cáo rất dày, để nói nếu không sửa các văn bản này thì việc sửa Luật Doanh nghiệp sẽ không đạt hiệu quả hoàn toàn. Nhưng rất tiếc, đề xuất đó không được các cơ quan nghiên cứu thấu đáo”, bà Lan tiếc nuối.

Cũng phải nhắc đến quyết tâm chính trị của những người đứng đầu trong nỗ lực nối dài tinh thần, tư duy cải cách. Bước đột phá của Luật Đầu tư với việc lần đầu ban hành được Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, chấm dứt sự tùy tiện trong hình thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt đầu bằng yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào năm 2014.

Ông Cung kể, Chủ tịch Quốc hội đã đặt đầu bài cho Ban Soạn thảo là nếu không có danh mục trên, Quốc hội sẽ không xem xét, thông qua. Toàn bộ phần việc rà soát, định hình Danh mục được thực hiện trong 2 - 3 tháng, có nhiều ngành thực sự không phù hợp, khiến các bộ, ngành sau này không đề xuất được điều kiện, nhưng đã làm thay đổi toàn bộ tư quy quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Lần này, Dự thảo Luật Đầu tư đã tiếp sóng cải cách, gỡ bỏ thêm 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, bổ sung cơ chế giám sát việc ban hành điều kiện kinh doanh.

“Tôi đang lo, nếu thực thi không tốt, sẽ xóa đi công sức xây dựng các điều luật tốt. Các nhóm lợi ích trái ngược với lợi ích chung sẽ không dễ chịu thua một văn bản luật tốt. Lúc này, cần cả bàn tay sắt và sạch của Nhà nước”, bà Lan chia sẻ quan điểm.

Không thể bỏ qua tình trạng mà nhiều doanh nghiệp hay than phiền về các văn bản liên quan đến đầu tư, kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước, đó là sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng.

Ông Phan Đức Hiếu thừa nhận, nhiều văn bản điều hành, hướng dẫn thực thi nằm trong ý chí của các bộ, ngành, nên nếu không mang tư duy của thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, thì rất khó tránh khỏi sự dùng dằng trong cải cách thể chế lúc này.

Hai luật phải sửa do thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Trong tổng số 9 luật có liên quan, chỉ có 2 luật cần phải được sửa đổi do thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp, gồm Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung vào điều khoản thi hành nội dung về sửa đổi luật có liên quan; theo đó khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” trong Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi sẽ được thay bằng khái niệm “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-de-cai-cach-bi-dut-quang-d111465.html