Không để... cao tốc 'quên' dừng nghỉ!

Để chấm dứt tình trạng cao tốc sau nhiều năm đưa vào khai thác vẫn thiếu trạm dừng nghỉ, điểm tiếp nhiên liệu…, cơ quan chức năng cần đưa ra được những cơ chế đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư; công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô của từng trạm cho nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu.

Trạm dừng nghỉ V52 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Tuấn Khải

Trạm dừng nghỉ V52 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Tuấn Khải

Nhiều cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ

Trạm dừng nghỉ V52 do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) xây dựng tại Km52 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho đến nay vẫn được đánh giá là trạm dừng nghỉ “xịn” nhất Việt Nam. Bên cạnh dịch vụ ăn uống, mua sắm, cây xăng, trạm còn phục vụ các dịch vụ miễn phí như bãi đỗ xe, chỗ ngồi nghỉ và nhà vệ sinh cho hành khách lưu thông trên tuyến. Cũng trên tuyến này còn có các trạm dừng nghỉ V23, V77 cũng được đầu tư khá đồng bộ.

Thế nhưng, không phải cao tốc nào cũng được đầu tư trạm dừng nghỉ tiêu chuẩn như vậy. Trong gần 1.200km đường bộ cao tốc của nước ta đã được đưa vào khai thác, có tới hơn 1/3 chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng hay điểm dừng xe kỹ thuật để lái xe nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu và kiểm tra xe. Điển hình như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài trên 130km được đưa vào vận hành từ tháng 9-2018 nhưng chưa có trạm dừng nghỉ khiến không ít lái xe cảm thấy khó khăn khi lưu thông trên tuyến. Một số cao tốc như Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận… cũng trong tình trạng như vậy.

Anh Phạm Minh Tuấn (Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi hay đi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ nên rất bất cập. Lái xe mỏi mệt nhưng dừng xe trên cao tốc lại phạm luật, chạy cố thì nguy hiểm”.

Lý giải nguyên nhân nhiều tuyến cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, một số ý kiến cho rằng, hiện có tình trạng mặc định là trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn tỉnh nào tỉnh đó quyết định đầu tư. Trong khi đó việc xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này không dễ vì chưa đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Thứ nhất là do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn. Thứ hai là nhà đầu tư chưa có đủ cơ sở, dữ liệu thông tin về quy chuẩn trạm, vị trí trạm, vốn đầu tư xây dựng, lưu lượng phương tiện, nhu cầu dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc… dẫn đến khó xây dựng phương án tài chính.

Cần cơ chế đủ sức hấp dẫn

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000km cao tốc. Để tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ, ngày 7-3-2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công, bỏ một phần chi phí để giải phóng và san lấp mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Căn cứ vào lưu lượng phương tiện dự báo, nhà đầu tư có thể tính toán đầu tư trạm dừng nghỉ quy mô phù hợp. Trong một số trường hợp khó khăn, Nhà nước sẽ làm một số hạng mục công ích như sân bãi, đường dẫn vào trạm. Khi trúng thầu, nhà đầu tư chỉ bỏ kinh phí xây dựng hạng mục kinh doanh thương mại và lấy lợi nhuận từ đây để vận hành các hạng mục Nhà nước đã đầu tư.

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Lê Kim Thành cho biết, hiện Cục đang lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị liên quan về mạng lưới trạm dừng nghỉ (vị trí, quy mô…) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Theo kết quả rà soát ban đầu, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư. 32 trạm dừng nghỉ còn lại đang được thẩm định.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã chấp thuận vị trí, quy mô xây dựng 8 trạm dừng nghỉ trên các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị đưa vào khai thác gồm: Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Tám trạm này được đầu tư theo quy mô trạm dừng nghỉ thông thường với các hạng mục cấp xăng, dầu, dừng xe, ăn, có nơi nghỉ ngơi, vệ sinh cho người tham gia giao thông.

Để hấp dẫn nhà đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng cho rằng, cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng và nên xác định trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải kinh doanh được thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về quy mô, vị trí trạm. Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tới đây, cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô của từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1061255/khong-de-cao-toc-quen-dung-nghi