Không dễ có 'làn sóng' ngân hàng cho vay để trả nợ ngân hàng khác

Các ngân hàng cũng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất khoản vay cũ và thêm các chương trình ưu đãi. Điều này có nghĩa không dễ để có làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn.

Các ngân hàng rục rịch cuộc đua

Sau hai ông lớn nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và BIDV, một số nhà băng thương mại cổ phần tư nhân cũng bắt đầu triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.

Đồng thời, phía MB cho biết khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.

Việc vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác dù tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách.

Việc vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác dù tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách.

Ngân hàng Techcombank cũng đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm. Chương trình áp dụng khoản vay mua nhận chuyển nhượng bất động sản dự án đã có chứng nhận; khoản vay mua bất động sản chưa có giấy chứng nhận nhưng mua tại dự án có liên kết với Techcombank. Yêu cầu dư nợ vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ 1 tỷ đồng trở lên, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất và ân hạn gốc trong 12 tháng gần đây.

Techcombank cho biết sẽ phê duyệt trước hạn mức tín dụng giúp khách hàng chủ động tài chính và số tiền cho vay, thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

Ngoài mức lãi suất ưu đãi, Techcombank cho biết sẽ tiếp tục giảm thêm 0,3% đến 1,2% lãi suất các kỳ tiếp theo đối với hội viên Techcombank Private và Techcombank Priority. Thời gian ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã hoàn thiện quy trình nội bộ về việc cho vay với các khách hàng cá nhân muốn trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Mức lãi suất đưa ra khá cạnh tranh, ở mức 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, cùng nhiều ưu đãi như miễn phí thẩm định tài sản, hay hỗ trợ giải ngân nhanh...

"Đây là một cơ hội cho các khách hàng được lựa chọn một ngân hàng phù hợp với khả năng tài chính của mình", bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân - Ngân hàng ACB cho biết.

Thông tư mới thúc đẩy khả năng đảo nợ

Chính sách trên của các ngân hàng được triển khai ngay khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9 này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Thông tư mới sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh giữa các ngân hàng quyết liệt hơn, cũng như tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các Tổ chức tín dụng khác.

Có ý kiến cho rằng, sự “mở màn” của các ngân hàng trên sẽ khởi đầu của một "làn sóng" chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn và nhiều ưu đãi hơn. Ngoài ra, tạo môi trường lãi suất thấp đến cuối năm, vừa giúp khách hàng được vay với mức lãi rẻ, vừa giúp ngân hàng cải thiện tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.

Theo đó, những ngân hàng có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh, trong đó, một số nhà băng có quy mô lớn và có tỷ lệ tiền gửi CASA như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, Techcombank có chi phí vốn đầu vào bình quân chỉ từ 3-4,5% sẽ chiếm lợi thế.

Tuy nhiên, thực tế cũng không dễ để có một làn sóng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang lãi suất thấp như phân tích nêu trên. Theo đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng, dù tạo thuận lợi cho khách hàng đảo nợ, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu, song không phải ngân hàng nào cũng muốn mất khách.

“Các ngân hàng cũng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất khoản vay cũ và thêm các chương trình ưu đãi. Điều này có nghĩa không dễ để có làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, đối với nền kinh tế, việc các ngân hàng đưa ra gói vay với lãi suất 6-7% sẽ giúp thúc đẩy khả năng đảo nợ, tái cơ cấu của doanh nghiệp, đặc biệt là giảm bớt gánh nặng về chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp nhưng quan trọng là các doanh nghiệp có đủ điều kiện cho vay hay không?

Đáng chú ý, hiện các ngân hàng đang để phí phạt trả trước là khoảng 2-3% số tiền trả nợ trước hạn, nếu tăng lên 4-5%, thì có khi tiền phạt còn hơn cả chênh lệch lãi suất nếu chuyển sang ngân hàng khác.

Theo đó, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, phí phạt trả nợ trước hạn thuộc về nghiệp vụ ngân hàng. Nếu muốn biết có tăng không trong thời gian sắp tới sẽ phải chờ thêm thời gian.

Thực tế, Thông tư 06 mới chỉ nới rộng giới hạn mục đích vay bao gồm mua tiêu dùng như nhà, xe. Ý nghĩa của nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi.

"Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định", ông Độ cho hay.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/khong-de-co-apos-lan-song-apos-ngan-hang-cho-vay-de-tra-no-ngan-hang-khac-1095197.html