Không để dịch bệnh xâm nhập vào học đường
Trong năm học mới 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng nỗ lực triển khai hiệu quả công tác y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống dịch bệnh... để vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Lồng ghép tuyên truyền, vận động học sinh phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, hiện tại, các loại dịch bệnh trong trường học thường gặp, gồm: tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, quai bị, Covid-19, tiêu chảy… Những loại dịch bệnh này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe giáo viên, học sinh, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập, chất lượng giáo dục.
Với tình hình nêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục đào tạo. Đồng thời, có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức thực hiện công tác y tế trường học, công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, các trường tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”. Tổ chức vệ sinh ngoại cảnh: phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín; tổ chức khử khuẩn trường học…
Thầy Thạch Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Trường có đặc thù riêng là học sinh ở nội trú nên công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Ngay từ đầu năm, nhà trường tổ chức phát quang khuôn viên, vệ sinh trường lớp, phòng ở, phòng ngủ. Hoạt động nấu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm; bộ phận y tế nhà trường được tập huấn về công tác y tế trường học. Đặc biệt, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được triển khai thực hiện tốt, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường tiêm đầy đủ các mũi tiêm. Qua đó, các bệnh thường gặp ở học sinh năm nay hạn chế so với các năm trước”.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành Y tế với ngành Giáo dục và Đào tạo được triển khai chặt chẽ. Trong kế hoạch phối hợp có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng giữa hai ngành. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phụ trách chung về công tác y tế trong trường như trang thiết bị, nhân sự, chỉ đạo, quản lý sức khỏe học sinh, báo cáo tình hình diễn biến của các bệnh truyền nhiễm nếu có… Ngành Y tế phụ trách về chuyên môn như tập huấn chuyên môn y tế, khám sức khỏe học sinh, theo dõi tình hình, diễn biến của dịch bệnh; tổ chức giám sát, kiểm tra công tác triển khai y tế của các trường học.
Cô Thạch Thị Domres - Phó trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc - Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Hàng năm, ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch liên tịch hoạt động công tác y tế trường học trong toàn tỉnh. Các trường tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, tiếp tục phối hợp thực hiện công tác y tế trong trường học theo kế hoạch liên ngành, trong đó, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch mới nổi như Covid-19 và các bệnh dễ lây lan, như: tay - chân - miệng, tiêu chảy, sốt xuất huyết…”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng còn triển khai tập huấn cán bộ phụ trách y tế trường học của các trường về các nội dung hoạt động y tế trường học, các biện pháp phòng, chống dịch chung cho các bệnh và cách phòng bệnh của từng bệnh khác nhau, rửa tay với nước sạch và xà phòng thường xuyên. Tuyên truyền, vận động học sinh, giáo viên, phụ huynh qua các tranh ảnh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn uống đủ chất… để phòng, chống dịch bệnh; dấu hiệu nhận biết của từng bệnh truyền nhiễm nhằm có phương án phối hợp phòng, chống dịch để không xảy ra dịch lớn.
Bác sĩ Lâm Đào Anh Tuấn - Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) khuyến cáo: “Để hạn chế dịch bệnh xảy ra ở lứa tuổi học đường, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh, như: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Các biện pháp tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao sức đề kháng cơ thể; nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất; cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bệnh”.