Không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động xây dựng và sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch Covid-19 tái phát; xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết
Ngày 5-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì phiên họp lần thứ 15 của ban chỉ đạo với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.
Số ca mắc có thể tăng do biến chủng mới
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 thuộc chủng Omicron. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó, như: tiêm vắc-xin mũi tăng cường, nhắc lại cho những nhóm nguy cơ cao; tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Tại Việt Nam, biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện. Bộ Y tế nhận định tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 hằng ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, gồm: bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm; khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc-xin; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng chống dịch. Do đó, khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Tuy nhiên, số liệu từ một số nước cho thấy biến thể phụ BA.5 có mức độ lây lan nhanh hơn so với biến thể phụ BA.2 khoảng 12%-13% và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2. "Trong thời gian tới, ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể được ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta và số ca mắc bệnh có thể gia tăng" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo.
Từ thực tế trên, Bộ Y tế nhấn mạnh hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quan trọng, trong đó có tiêm vắc-xin mũi tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng chống dịch.
Không lơ là với dịch bệnh khác
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng còn có tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, nhất là việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả. Một bộ phận người dân tại một số nơi né tránh tiêm vắc-xin do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại bài học "kinh nghiệm xương máu" khi dịch diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vắc-xin và năng lực y tế hạn chế. Thời điểm đó, Việt Nam buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả vừa chịu nhiều mất mát, hy sinh và vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch, gồm: xét nghiệm, cách ly và điều trị. Cùng với đó, thực hiện phương châm 2K (gồm khẩu trang và khử khuẩn) kết hợp vắc-xin, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 38/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng và tập huấn với mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bùng phát trở lại.
Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng với Covid-19 và các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn quốc một cách khoa học, hiệu quả, chính xác để có giải pháp phù hợp. Song song với phòng chống dịch Covid-19, cần coi trọng việc phòng chống các dịch bệnh khác. Cụ thể, tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết.
Gỡ vướng cho mua sắm thuốc và vật tư y tế
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong ngày 5-7 phải hoàn thành hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Thủ tướng biểu dương Bộ Y tế ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng đã khẩn trương triển khai đấu thầu lượng thuốc trị giá 9.000 tỉ đồng. Đồng thời, đề nghị trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND các tỉnh, thành tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Bộ Y tế và các cơ quan tiếp tục cải cách quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp phép thuốc, công bố giá thuốc, đấu thầu... Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học.
TP HCM: Phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới BA.4, BA.5
Ngày 5-7, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 989 ca mắc Covid-19 và 1 ca tử vong. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua và là ngày thứ 2 liên tiếp có bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong khi nhiều tuần trước đó không có ca tử vong.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết qua giải trình tự gien, thành phố phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5. Trong đó, 1 ca ở huyện Củ Chi và 2 ca ở TP Thủ Đức.
HCDC cho biết để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, từ tháng 6 đến nay, TP HCM đã mở rộng hệ thống giám sát biến thể mới Covid-19 ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Khi có ca bệnh trên hệ thống khai báo F0 của thành phố, người bệnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và được gửi mẫu sang Viện Pasteur để giải trình tự gien xác định biến thể mới. Nhờ đó, việc phát hiện biến thể mới trở nên chủ động, nhanh chóng và bảo đảm kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó. H.Yến - N.Dung
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-dich-covid-19-bung-phat-tro-lai-20220705224358536.htm