Không để dịch cúm gia cầm lan rộng
Cả nước đã có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra. Nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt để ngăn chặn
Tính đến 16 giờ ngày 18-2, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 5 huyện của tỉnh Thanh Hóa làm 5.101 con gia cầm mắc bệnh, buộc cơ quan chức năng phải tiêu hủy 50.989 con.
Chống dịch từ vùng biên
Trong ngày, ngành thú y đã phát hiện thêm 1 ổ dịch mới xảy ra tại xã Trung Chính, huyện Nông Cống, buộc cơ quan chức năng tiêu hủy thêm 3.646 con vịt mắc bệnh.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, cho biết Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho các đơn vị 8.000 lít hóa chất sát trùng để thực hiện bao vây ổ dịch. "Chúng tôi đã lập các chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn xã trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch" - ông Giang nói.
Là tỉnh giáp biên giới với Campuchia, An Giang cũng đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết trong trường hợp có nghi vấn, tỉnh sẽ lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từ đó đề xuất sử dụng vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm phù hợp. An Giang lấy tháng 2 này là tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Hai đơn vị nòng cốt ở khu vực biên giới là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan tỉnh có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, lực lượng chức năng tỉnh Trà Vinh vừa phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm ở địa bàn xã Hòa Ân và Châu Điền thuộc huyện Cầu Kè nên đã tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm bệnh với số lượng 962 con vịt, 34 con gà. Anh Diêu Quốc Hội, cán bộ nông nghiệp UBND xã Hòa Ân, cho hay sau khi tiêu hủy đàn vịt 962 con, ngành thú y đang khoanh vùng để phun xịt hóa chất và xử lý ổ dịch.
Ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, UBND các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu phải chấn chỉnh các hoạt động thú y cơ sở tại cấp thôn/bản/ấp, xã và huyện; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết cúm ở gia cầm có thể lây truyền từ gia cầm bệnh sang gia cầm lành, giữa các đàn gia cầm hoặc lây truyền từ mầm bệnh thải ra từ chim hoang dã nhiễm virus. Cùng với đó, thói quen giết mổ gia cầm không hợp vệ sinh; vệ sinh tại các khu chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt và các sản phẩm gia cầm ở những nơi chưa bảo đảm cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người.
Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia cầm sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh sang người. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh là rất quan trọng, như ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các biện pháp phòng hộ khi chế biến thực phẩm, không sử dụng thịt, sản phẩm của gia cầm, động vật ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
Hơn 50% ca mắc bệnh tử vong
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cúm A/H5N1 tỉ lệ mắc tuy không cao nhưng tử vong thì chiếm tới 50% số ca mắc, bởi virus cúm A/H5N1 mang độc lực cao, gây tổn thương phổi nặng nề, diễn tiến bệnh rất nhanh. Những trường hợp viêm phổi virus tiến triển nặng, có tiếp xúc gia cầm, gia cầm chết, có gia cầm chết trong khu vực đó... cần nghĩ đến nguy cơ cúm A/H5N1 để điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-dich-cum-gia-cam-lan-rong-20200218222713862.htm