Không để doanh nghiệp phải 'trả giá' vì hội nhập

Với hệ thống các Hiệp định FTA mà chúng ta đã ký kết và thực hiện cho thấy rõ vị thế và hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong bản đồ thương mại và chính trị quốc tế. Trong cuộc trò chuyện nhân dịp Xuân Tân Sửu 2020 với Thời báo Kinh Doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh không giấu được niềm vui với kết quả trên. Tuy vậy, vị Tư lệnh Ngành Công Thương cũng bày tỏ sự trăn trở và cả những dự định 'ấp ủ' mà ngành sẽ triển khai trong 2021.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng, 2020 là một năm đầy khó khăn với hoạt động thương mại toàn cầu. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), chúng ta đã đạt được kết quả xuất khẩu (XK) ấn tượng với kim ngạch 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ cao nhất trên thế giới.

Con số xuất khẩu gây ấn tượng với thế giới

Nhìn lại, trong 5 năm qua, hoạt động XK đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Chiến lược XK giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ cân bằng được cán cân thương mại, đạt mục tiêu tăng trưởng XK 8 - 10%. Tuy nhiên, nền kinh tế đã vượt đích rất nhiều, đặc biệt đóng góp của hoạt động XK vào phát triển kinh tế rất nổi trội.

Nhìn lại kết quả XK ấn tượng trong năm 2020, cũng như cả giai đoạn 2016-2020, ngay lúc này, Bộ trưởng đang có cảm xúc như thế nào?

Có thể nói, giai đoạn này chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất cao, thậm chí kỷ lục như có những năm XK tăng trưởng 22%, đó là con số gây ấn tượng với bất kỳ một nhà kinh tế, nhà chuyên môn hay một DN nào trên thế giới.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt mốc 500 tỷ USD (ước đạt 543,9 tỷ USD) cao hơn khoảng 27 tỷ USD so với năm 2019. Trong đó, riêng XK tăng trưởng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu đạt hơn 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Một quốc gia có độ mở kinh tế như Việt Nam, giá trị kim ngạch hai chiều trên 500 tỷ USD thì điều này rất ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn 2016-2020 bối cảnh thương mại có nhiều diễn biến phức tạp.

Những con số này đã đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực XK; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Ngay trong năm 2020, thế giới bị tác động bởi COVID-19, phần lớn quốc gia XK thế giới đều tăng trưởng âm, chỉ Việt Nam và một số nước rất ít nước tăng trưởng dương. Có lẽ không bao giờ có thể tưởng tượng tác động COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới thương mại quốc tế mà chúng ta lại ít phải hứng chịu nhất.

Năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN thông qua hưởng lợi không chỉ về thuế quan mà còn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước đẩy mạnh cải cách hoàn thiện thể chế để xây dựng môi trường kiến tạo, cạnh tranh bình đẳng thuận lợi cho DN.

Năm 2020 Việt Nam ký kết "siêu hiệp định FTA" như EVFTA, RCEP. Vậy những FTA này đã và đang đóng góp như thế nào tới thành tích xuất khẩu trên, thưa ông?

- Việt Nam đang ở bối cảnh rất mới, thay đổi vai trò từ một nước đối mặt sức ép mở cửa hội nhập, nay trở thành quốc gia dẫn dắt trong khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương. Tính đến nay, Việt Nam đã có 17 FTA song phương và đa phương, ký kết và tổ chức thực thi 15, còn đang đàm phán 2 FTA.

Trong bối cảnh này, hội nhập ngày càng đi vào thực chất, lan tỏa tác động tới từng lĩnh vực kinh tế, hoạt động DN và người dân.

Với hệ thống các FTA mà chúng ta ký kết và thực hiện đã giúp vị thế và hình ảnh Việt Nam được nâng lên rất nhiều trong bản đồ thương mại và chính trị quốc tế. Thế và lực của Việt Nam thay đổi, không chỉ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh ngày càng cao về sản phẩm và dịch vụ, mà Việt Nam đã có thế đứng bền vững, mạnh mẽ trong liên kết khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam có sự cải thiện rất đáng kể về năng lực của nền kinh tế về xuất khẩu thông qua 15 FTA, gia tăng năng lực XK tăng nhanh và mạnh mẽ, XK đã có yếu tố bền vững.

Với tốc độ tăng trưởng XK trung bình 8-10% mỗi năm, chúng ta đã khai thác tốt cơ hội từ nhiều thị trường XK, tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững lâu dài.

Đồng thời, tất cả thị trường trọng điểm của Việt Nam được củng cố khai thác. 15/20 quốc gia nằm trong nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới) có FTA với Việt Nam. Vì vậy, các thị trường trọng yếu của Việt Nam đều tăng trưởng, thị phần được nâng lên, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này có được là do chúng ta được thụ hưởng cơ hội từ FTA.

Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau

Tuy nhiên, nếu để nói về những điều còn trăn trở, băn khoăn về quá trình thực thi các FTA thời gian qua của Bộ trưởng thì đó là gì?

- Nói thực còn nhiều điều cá nhân tôi chưa hài lòng. Dù chúng ta thực hiện quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu, vẫn còn vấn đề phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành cản trở sự phát triển trong một số lĩnh vực, thậm chí ở một số lĩnh vực bỏ lỡ nhiều cơ hội rất xót xa.

Đơn cử, trong lĩnh vực công nghiệp, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của cộng đồng DN tư nhân nhưng vì tiếp cận vấn đề, hỗ trợ giải pháp còn chậm, thậm chí buông xuôi nên không đạt kỳ vọng.

Hơn nữa, điều tôi còn day dứt nữa là câu chuyện tổ chức phổ biến pháp luật, hướng dẫn DN chủ động hơn trong môi trường hội nhập. Việt Nam có nhiều FTA, nhưng để DN hiểu thực sự còn hạn chế. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị động khi đối mặt cơ hội cũng như thách thức. Những vấn đề này sẽ được chính Bộ Công Thương rút kinh nghiệm.

Từ yêu cầu này, vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Cổng thông tin về các Hiệp định FTA, từ đó cập nhật thông tin, hỗ trợ cụ thể DN trong việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng.

Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, đặc biệt là dịch COVID-19... Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN những gì để đẩy mạnh hoạt động thương mại?

- Năm 2021 còn nhiều khó khăn cho hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, với Việt Nam, chúng ta có điều kiện thuận lợi mang đến từ chiến lược hội nhập, hiệp định FTA đã ký kết và sẽ ký kết, đường lối quyết sách của Đảng, Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, an sinh xã hội, cải cách mở cửa, phát triển bền vững, chuyển đổi số... Tôi tin rằng 2021 và năm tiếp theo chứng kiến sự phát triển, tăng tốc Việt Nam, trong đó có khía cạnh thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu.

Năm 2021, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch XK tăng khoảng 4-5% so với năm 2020. Về cơ bản, vẫn duy trì đà tăng trưởng XK, nếu thực hiện tốt việc tổ chức hướng dẫn phổ biến pháp luật về các FTA cho DN một thấu đáo, chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội từ FTA.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh việc nội luật hóa các văn bản hướng dẫn thực thi FTA để kịp thời tạo điều kiện cho DN trong và ngoài nước khai thác thị trường và phát triển.

Đặc biệt, trong hội nhập chúng ta cần quan tâm tới các câu chuyện chính sách xã hội, đảm bảo trong hội nhập không một tổ chức, người dân, DN bị bỏ lại phía sau, bị trả giá do hội nhập. Tất cả những điều này đòi hỏi Chính phủ, Bộ ngành và địa tổ chức thực hiện, từ đó mang lại động lực mới cho phát triển đất nước cho 2021 và những năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật Linh (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-doanh-nghiep-phai-tra-gia-vi-hoi-nhap-1075908.html