Không để đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Cùng với các Bộ, ngành liên quan, ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phía Nam cho biết, so với trước khi thực hiện giãn cách, nhu cầu lương thực thực phẩm của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm, nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các địa phương đã được đảm bảo. Cùng với tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và hợp tác xã để kịp thời triển khai, mở rộng sản xuất, tiêu thụ nông sản, Tổ công tác đã tổng hợp 580 đầu mối cung cấp nông sản. Việc lưu thông hàng hóa đã có sự thông thoáng hơn so với trước đây, nhưng vẫn gặp khó chủ yếu là cấp xã, thôn…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác tại phía Nam cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải đảm bảo được nguồn giống về cây trồng, vật nuôi. Nhiều doanh nghiệp đã phải phá bỏ gà giống, chuyển trứng giống thành trứng thương phẩm. Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn phương án về nguồn cung con giống, tránh tình trạng 1 hoặc 2 tháng tới sau khi hết giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại dễ xảy ra thiếu giống khiến giá giống tăng cao, ảnh hưởng đến người nông dân.
“Mặc dù hiện nay cung đang vượt cầu, nhưng 1 tháng sau nhu cầu tăng trở lại thì bị động, khi đó giá giống tăng, vật tư tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và nông dân. Cần có chương trình giống, trên cơ sở này các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát lại nguồn cung con giống để khi cần các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đáp ứng đủ, tránh bị động nguồn cung con giống”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Còn đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phải theo kịch bản là những tỉnh, thành phố đã khống chế tốt dịch Covid 19 phải tăng cường sản xuất để bù đắp phần sản xuất bị thiếu hụt tại các địa phương dịch đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác tại khu vực phía Bắc cho biết, như Hà Nội với quy mô nông nghiệp như vậy nhưng vẫn đảm bảo được tăng hơn 3%; Nghệ An 4,9 %; Thanh hóa cũng ở mức cao. Các tỉnh phía Bắc phải tập trung chỉ đạo sản xuất để vừa cung cấp nội tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong chuỗi kết nối 21 tỉnh, thành phố cung cấp lương thực thực phẩm cho Hà Nội.
“Khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm sẽ tăng trở lại, khi đó, nếu các tỉnh phía Nam ảnh hưởng bởi Covid-19 không đáp ứng đủ nhu cầu thì sẽ có nguồn nông sản để hỗ trợ cung ứng cho các tỉnh. Như vậy, vừa đảm bảo chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo được tăng trưởng và xuất khẩu đó là những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Từ kết quả đạt được của 2 Tổ công tác, nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay, cũng như nhiệm vụ trong những tháng cuối năm nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, phải cung cấp được thông tin nguồn cung hàng hóa với số lượng, chất lượng đảm bảo để các hệ thống phân phối kịp thời kết nối. Trong tháo gỡ khó khăn chuỗi cung ứng cần tập trung vào ngành hàng chủ lực, nhân rộng các mô hình mẫu để các địa phương, đặc biệt là Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh lấy làm kinh nghiệm để tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai.
“Trước tiên, phải làm thông suốt thị trường vật tư nông nghiệp đầu vào từ phái Bắc vào Nam, gặp khó khăn chỗ nào thì gỡ từng địa phương. Chuỗi cung ứng ở đây phải nhấn mạnh đến vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, bởi đây là chỗ dựa để triển khai. Trong tình hình hiện này phải chuẩn bị giống cây giống vật nuôi, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng tham gia vào Hiệp hội ngành hàng để xem có vấn đề gì cần tháo gỡ, chúng ta tập trung vào những ngành hàng lớn chủ lực làm mô hình mẫu để kết nối Sở Nông nghiệp các tỉnh và nhân rộng cách làm trong chuỗi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vác xin cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Bởi những cơ sở chế biến trong chuỗi cung ứng không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân./.