'Không đề gửi mùa Đông', nỗi niềm nhớ Bắc

Để hiểu được đầy đủ nỗi lòng của Thảo Phương nếu chỉ nghe bài hát 'Nỗi nhớ mùa Đông' của phú Quang có lẽ chưa đủ, ta nên đọc thêm 'Không đề gửi mùa Đông'. Đọc bài thơ 'Không đề gửi mùa Đông' và phiên bản thứ hai của bài thơ là 'Nỗi nhớ mùa Đông', chúng ta dễ dàng nhận thấy cảm xúc, tứ thơ của 'Không đề gửi mùa Đông' và 'Nỗi nhớ mùa Đông' giống nhau.

''Chút nắng vàng thu se nhẹ'' trong Hoàng thành Thăng Long

''Chút nắng vàng thu se nhẹ'' trong Hoàng thành Thăng Long

Tôi chưa từng gặp nhà thơ Thảo Phương và cũng chưa đọc nhiều thơ của chị. Tôi chỉ biết Thảo Phương qua bài thơ “Không đề gửi mùa Đông” và một phiên bản khác có nhan đề là “Nỗi nhớ mùa Đông”. Nói chính xác hơn là tôi biết đến bài thơ này qua bài hát “Nỗi nhớ mùa Đông” của nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang đã phổ thơ của Thảo Phương thành bài hát. Từ bài hát của Phú Quang mà tôi biết đến bài thơ của nữ sĩ; tìm đọc nguyên bản bài thơ ban đầu của nhà thơ. Và, qua tiếp xúc với bài thơ, tôi thấy hiện lên một hình ảnh về Thảo Phương rất ấn tượng, một hồn thơ rất có cá tính. Đó là một người đàn bà “thơ” sang trọng nhưng phảng phất nét u hoài; một người phụ nữ sống kín đáo nhưng có đời sống nội tâm rất sâu sắc. Chẳng tin, mọi người cứ đọc bài thơ thì sẽ rõ:

Không đề gửi mùa Đông
(Thảo Phương)

Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa Đông?
Chiều thu - cây cầu ...
Đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa Đông đang về!
Sài Gòn, 8 - 1992

Thi sĩ Thảo Phương tên thật là Nguyễn Mai Hương (1949 - 2008), quê Ninh Bình. Nữ thi sĩ từng có một tuổi thơ ở Việt Bắc nhưng lập nghiệp lại ở phương Nam, bài thơ “Không đề gửi mùa Đông” được nhà thơ viết từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở một nơi “không có mùa Đông” trong nỗi niềm của kẻ xa xứ. Bởi thế đọc bài thơ người ta thấy nỗi nhớ quê hương cùng với những ký ức một thời của nhà thơ về mùa Đông đất Bắc hiện lên đầy khắc khoải, da diết, khôn nguôi.

Với những người con miền Bắc tha phương ở góc trời Nam, mùa Đông hẳn sẽ là một mùa làm cho người ta khó quên nhất. Cái tiết trời giá lạnh với màu nắng vàng nhạt nhưng đủ làm cho cả đất trời se sắt lại có lẽ chỉ có ở miền Bắc. Trong cái không gian tiết trời tê tái ấy đôi khi một chuyển động rất khẽ, ví như một chiếc lá vàng khô lìa cành, chao nghiêng trong gió thoảng nhưng cũng dễ thức dậy trong lòng người biết bao nỗi niềm cảm xúc. Giữa hanh hao gió bấc, chỉ cần một hơi thở nhè nhẹ, khẽ chạm vào da thịt thôi mà trái tim không khỏi xao động, hao gầy thương nhớ.

Cái mùa Đông đất Bắc ấy đã từng làm cho Vũ Bằng lưu lạc phương Nam phải thốt lên rằng: “Làm thế nào mà quên được… gió bấc thổi lành lạnh, có mưa rơi rầu rầu”. Cho nên mỗi khi sang Đông, ở cái nơi “không có gió bấc, không có mưa phùn”, nỗi niềm thoảng thốt nhớ mùa của Thảo Phương cũng là điều dễ hiểu:

“Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?”

Thảo Phương mở đầu bài thơ bằng một thành phần biệt lập tình thái diễn tả một phán đoán không chắc chắn (dường như) kết hợp với một nghệ thuật nhân hóa (ngọn gió mải chơi) cùng với câu hỏi tu từ (hay là ngọn gió mải chơi?) để diễn tả cái điều hồ nghi của mình khi mùa Đông đang về ở cái nơi “không có mùa Đông” với “Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ”. Với người miền Nam, họ không có ấn tượng nhiều về mùa Đông bởi Nam Bộ chỉ có mùa mưa và mùa khô. Vì thế, tiết trời giao mùa từ thu chuyển sang đông ở phương Nam không rõ nét. Tiết trời mùa Đông ở phương Nam từng được nhà thơ Bùi Văn Dung tái hiện trong bài thơ từng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc: “Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/ Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam” (Gửi nắng cho em).

Trái lại với phương Nam, sự chuyển mùa sang Đông ở miền Bắc rất dễ nhận biết, bởi tiết trời có sự thay đổi khác biệt hẳn với những mùa trước nó. Cái sự thay đổi ấy cũng đã từng được nhà văn Thạch Lam tả lại rất tinh tế: “Buổi sáng hôm nay, mùa Đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi. Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa Đông rét mướt… Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét” (Gió lạnh đầu mùa).

Nhà thơ Bùi Văn Dung là người miền Bắc vào miền Nam nên chưa thấy mùa Đông (dù đã sang đông rồi) và đến khi biết được trời sang đông rồi thì đã phải thốt lên: “Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam”. Nhà thơ thấy diệu kỳ là bởi mùa Đông phương Nam khác với mùa Đông phương Bắc. Bởi vậy, Thảo Phương - một người từng rất gắn bó với đất Bắc nay li hương, sống trên đất Nam, có một sự hồ nghi, chưa chắc chắn về cái sự chuyển mùa sang đông ấy thì cũng là điều dễ hiểu. Điều hồ nghi, chưa chắc chắn ấy của nhà thơ cũng đã thể hiện rất sâu sắc nỗi nhớ quê hương miền Bắc của nhà thơ. Nỗi nhớ ấy được bộc lộ một cách rất tự nhiên qua cái vẻ còn như chưa thực sự thích nghi với môi trường sống mới, vẫn nghĩ là mùa Đông của phương Nam phải giống như mùa Đông ở phương Bắc.

Cho nên cũng như nhà thơ Bùi Văn Dung, khi lí trí đã nhận ra sự chuyển mùa rồi Thảo Phương không khỏi giật mình, thoảng thốt. Cái giật mình thoảng thốt ấy được bộc lộ một cách vô thức qua câu hỏi tu từ và cách nói còn hồ nghi, có vẻ còn như chưa được chắc chắn. Và rồi, sau cái sự “dường như”, “hay là” ấy đã xuất hiện một hình ảnh “tàn thu” cuối cùng của đất Bắc, chợt lóe lên trong ký ức:

“Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi”.

Chỉ một hình ảnh thôi nhưng cái tiết trời giao mùa sang đông ở miền Bắc hiện lên thật rõ ràng, khó lẫn vào xứ sở nào khác được: “chút nắng tàn thu se nhẹ”. Hình ảnh thơ này gợi hơn là tả. Nó gợi cho người ta nhớ về màu vàng của phương Bắc trong những làn gió heo may cuối thu. Một sắc vàng mà thơ xưa nay đã có biết bao người nhắc đến đã trở thành một màu điển hình của mùa thu trong thi ca Việt Nam.

Hình ảnh quê hương phương Bắc chợt lóe lên rồi lại vụt tắt ngay bởi hiện thực li hương chưa biết ngày nào mới được trở lại quê nhà để được đắm mình trong tiết trời đầu đông. Từ ký ức của những ngày xa xưa Thảo Phương trở lại với hiện thực của mùa Đông phương Nam trong nỗi nhớ quay quắt đến đớn đau. Câu thơ sáu chữ được bẻ thành hai dòng: “Chiều nay/ Cũng bỏ ta rồi” cất lên giống như một tiếng nấc. Âm điệu hai tiếng “chiều nay” như được cất cao hơn để dồn nén thành một nỗi nhớ thương da diết. Hình như trong nỗi lòng người con xa xứ này ký ức đầu đông quê nhà chỉ còn hình ảnh “chút nắng vàng thu se nhẹ” để bấu víu, nương tựa. Nhưng rồi một chút tàn thu mong manh ấy cũng chỉ thoảng qua như một ngọn gió vô tình và để lại cho nỗi niềm tâm trạng của nữ sĩ một nỗi buồn chênh chao trong sự tiếc nuối, được thể hiện qua âm điệu trầm buồn của bốn tiếng thơ tựa như một hơi thở dài đầy bất lực: “Cũng bỏ ta rồi”.

Để nghe chuông chiều xa vắng... Vờ như mùa đông đang về

Để nghe chuông chiều xa vắng... Vờ như mùa đông đang về

Tâm trạng khắc khoải, da diết với mùa Đông xứ Bắc dường như càng muốn nén lại thì nó càng trào dâng cao hơn trong nỗi niềm nhà thơ ở giữa nơi phố phường đông vui, nhộn nhịp của miền đất một thời từng được xem là “hòn ngọc viễn đông”. Khách quan mà nói, mùa Đông phương Nam không những không khắc nghiệt với tiết trời lạnh buốt mà còn hiện lên với một vẻ đẹp hết sức thơ mộng: “Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ” khiến người ta không kìm được lòng mình mà phải thốt lên thành lời: “Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam”.

Cái đẹp đầy sức quyến rũ của bầu trời phương Nam kia cũng không đủ sức làm cho Thảo Phương nguôi ngoai “nỗi nhớ Hà Nội, thành phố đã từng gắn bó với tuổi thơ của chị” (Phú Quang). Bởi vậy, phương Nam dẫu có đẹp đến đâu thì tiếng thờ dài bất lực trong nỗi hoài hương xa vắng vẫn cứ buột ra một cách vô thức. Như cụ Nguyễn Du từng nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cho nên trong lòng hòa hương của nữ sĩ vẫn cứ chất chứa một nỗi niềm, một câu hỏi đầy khắc khoải đáng thương:

“Làm sao về được mùa Đông?
Chiều thu - cây cầu ...
Đã gãy”.

Câu hỏi “Làm sao về được mùa Đông?” cứ như xoáy sâu vào lòng người đọc cái nỗi khát khao được trở lại quê nhà, trở về với tuổi thơ, trở về với những người thân yêu ruột thịt trong lòng người xa xứ. Nhưng cuối cùng tất cả khát khao cháy bỏng ấy cũng trở nên vô vọng bởi “cây cầu” nối nhịp trở về ấy “đã gãy”. Có thể nói, cách thể hiện nỗi nhớ quê nhà qua tâm trạng đau đớn đến tuyệt vọng bằng những đứt đoạn của chữ nghĩa và cấu tạo của câu thơ ngắt dòng của Thảo Phương thật là tuyệt bút. “Cây cầu” là một hình ảnh ẩn dụ. Nó là hình tượng thời gian, là nhịp nối giữa hoài niệm của ký ức và thực tại. Nay cây cầu ấy đã gãy rồi thì làm sao có thể quay trở về được nữa cho nên quê nhà chỉ còn trong ký ức mà thôi. Lời thơ như nghẹn lại, như “gãy” cùng “cây cầu” bởi thế nỗi nhớ quê hương trong lòng người càng trở nên khắc khoải và da diết.

“Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy”.

Tình thương nhớ đất Bắc quê nhà mênh mang trong nỗi niềm đầy tuyệt vọng của Thảo Phương dường như chỉ còn một chút bấu víu duy nhất là ký ức của những ngày xưa. Trong hoài niệm xa xứ da diết ấy hình ảnh của ký ức hiện lên sau khắc thu tàn là một mùa Đông lạnh giá với những lá vàng rơi rụng. Nếu như ở đầu bài thơ, Thảo Phương tái hiện tàn thu bằng một sắc vàng của nắng thu se nhẹ để gợi lên tiết trời heo may thì gần cuối bài thơ hình ảnh của chiếc lá vàng chìm dưới “bến thời gian” cùng đàn cá “im lìm - không quẫy” như thể muốn khắc sâu vào trong tâm khảm người đọc vừa là cái tiết trời mùa Đông giá băng vừa là nỗi buồn tuyệt vọng “một đi không trở lại” của kẻ tha hương. Cái “bến thời gian” kia là bến nước nhưng cũng là bến đời.

Có thể thấy, hai câu thơ này là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó vừa gợi lên được cái bến nước mùa Đông tĩnh lặng, lạnh lẽo, trong veo (nhìn thấu lá vàng nằm im dưới đáy, nhìn rõ đàn cá đứng lặng im “không quẫy”) vừa gợi lên “dòng sông cuộc đời” với biết bao thăng trầm dâu bể. Hình ảnh chiếc “lá vàng” và “đàn cá” lặng im giữa không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối. Câu thơ gợi lên hình ảnh của mùa Đông nhưng cũng là tâm cảnh của con người. Có lẽ thể hiện nỗi niềm tâm trạng ấy bằng hình ảnh chưa đủ nên Thảo Phương còn sử dụng các dấu gạch ngang để rằn lòng xuống trong một tiết tấu chậm, nhẹ nhằm gợi lên cái nỗi khắc khoải đến tuyệt vọng đang diễn ra trong sâu thẳm tâm hồn. Nhà thơ dường như không còn giấu được nỗi lòng mình nữa: “cái cảm giác không thể trở về với mùa Đông trên cây cầu chiều thu đã gẫy đã làm cho nhà thơ rơi vào một vòng xoáy cô đơn nghiệt ngã. Khi ấy, chị chợt ngoái lại nhìn về dĩ vãng và thấy, trên bến bờ thời gian vô tận và lặng lẽ kia, những chiếc lá vàng của hoài niệm ký ức mình đang chìm dần như một đàn cá im lìm tìm xuống tận đáy sâu thời gian” (Nguyễn Việt Chiến).

Tiếc rằng bài hát của Phú Quang đã bỏ mất hình ảnh đầy chất thi vị này. Điều này cả nhạc sĩ và nhà thơ đều hiểu rất rõ nhưng có lẽ ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ âm nhạc gần nhau nhưng không phải là giống nhau. Nghệ thuật nào cũng có những giới hạn nhất định của nó. Cho nên bài hát “nỗi nhớ mùa Đông” rất hay của Phú Quang có một sứ mệnh riêng của nó trong âm nhạc còn bài thơ “Không đề gửi mùa Đông” của Thảo Phương có một sứ mệnh riêng của thi ca. Hình ảnh liên tưởng độc đáo, giàu tâm trạng của hai câu thơ mà bản nhạc bỏ sót ấy sẽ làm người ta phải tìm đọc và không thể quên được bài thơ đầy khắc khoải. Đó là cõi lòng riêng của Thảo Phương với quê hương đất Bắc.

Cuối cùng bài thơ được khép lại với một sự chấp nhận sau những hoài niệm rất đẹp nhưng cũng rất buồn về một mùa Đông phương Bắc:

“Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa Đông đang về!”

Phải thừa nhận rằng, ngoài hình ảnh, cách ngắt dòng và tiết tấu nhịp điệu rất sáng tạo của nhà thơ trong những câu thơ sáu chữ ở cả bài thơ nói chung và khổ thơ kết thúc này nói riêng rất đặc sắc. Nó như diễn tả được đầy đủ, trọn vẹn nỗi lắng lòng, cảm giác cô đơn nơi xứ người để khép lại bài thơ. Câu thơ “Vờ như mùa Đông đã về” là một sự chấp nhận hay nói cách khác là thừa nhận sự bất lực của mình trong hành trình trở về mùa Đông phương Bắc.

Nhà thơ đi ra khép cửa để cho khỏi gió lạnh vào nhà. Nhưng phương Nam mấy khi có gió mùa Đông Bắc mà phải khép của cho khỏi lạnh. Hóa ra cái khép cửa của thi sĩ Thảo Phương chỉ là để đánh lừa cảm giác của chính mình mà thôi. Quả là một nỗi niềm xa xứ nhớ quê đáng thương đến tội nghiệp. Có đồng cảm với Thảo Phương như thế ta mới thấy cái “không đề’ lại thành có “vấn đề”. Cái vấn đề ở đây chính là nỗi nhớ mùa Đông phương Bắc, nhớ quê hương, nhớ gia đình. Cái vấn đề này dường như ở phiên bản gửi Phú Quang để làm thành bài hát “Nỗi nhớ mùa Đông” được tường minh hơn: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa Đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi/ Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/ Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Giờ đây cũng bỏ ta đi/ Làm sao về được mùa Đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa Đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa Đông đã về/ Làm sao về được mùa Đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa Đông/ Mùa thu cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa Đông đã về”.

Để hiểu được đầy đủ nỗi lòng của Thảo Phương nếu chỉ nghe bài hát “Nỗi nhớ mùa Đông” của phú Quang có lẽ chưa đủ, ta nên đọc thêm “Không đề gửi mùa Đông”. Đọc bài thơ “Không đề gửi mùa Đông” và phiên bản thứ hai của bài thơ là “Nỗi nhớ mùa Đông”, chúng ta dễ dàng nhận thấy cảm xúc, tứ thơ của “Không đề gửi mùa Đông” và “Nỗi nhớ mùa Đông” giống nhau. Tuy nhiên đọc kỹ ta sẽ thấy ở mỗi bài có một điểm nổi trội. Nếu ở “Nỗi nhớ mùa Đông” nỗi niềm hoài niệm được mở rộng hơn; nhịp điệu thơ hoàn chỉnh hơn thì ở “Không đề gửi mùa Đông” chất thơ có vẻ đậm hơn; nỗi niềm tâm trạng chất chứa hơn. Bởi vậy tôi vẫn thích “không đề gửi mùa Đông” hơn “nỗi nhớ mùa Đông”./.

Đào Thị Thu Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-de-gui-mua-dong-noi-niem-nho-bac-a26772.html