Không để hàng giả tiếp tục 'giết chết' những doanh nghiệp làm ăn chân chính

Nhìn từ câu chuyện phát hiện đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả sẽ thấy việc kiểm soát chất lượng hàng hóa còn nhiều kẽ hở và 'quả bóng trách nhiệm' thuộc về ai vẫn đang là dấu hỏi. Để hàng giả không tiếp tục 'giết chết' những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đòi hỏi phải giải quyết rốt ráo các bất cập, chồng chéo trong khâu chính sách như hiện nay.

Liên quan đến đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả gây rúng động dư luận vừa bị Bộ Công an triệt phá trong trung tuần tháng 4/2025 này trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là ai cấp phép cho các sản phẩm sữa giả, rồi trách nhiệm kiểm tra, quản lý sản phẩm này thuộc về ai khi đường dây này đã tồn tại hơn 4 năm nay và thu về 500 tỷ đồng?

“Quả bóng trách nhiệm” thuộc về ai?

Trước câu hỏi như vậy, liệu những trả lời của các cơ quan có trách nhiệm liệu có thỏa đáng hay không?Đơn cử như Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép, quản lý các sản phẩm do CTCP dược quốc tế Rance Pharma và CTCP dược dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh (các nghi phạm lập ra hai công ty này để sản xuất kinh doanh gần 600 loại sữa bột giả - PV).

Các DN làm ăn chân chính mong muốn các bất cập, chồng chéo trong khâu chính sáchvà quản lý cần được giải quyết rốt ráo để hàng giả không còn “đất sống”.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp.

Qua những trả lời như thế khiến cho dư luận băn khoăn là “quả bóng trách nhiệm” sẽ thuộc về ai? Liệu đây có phải là hồi chuông cảnh báo về việc một nhiệm vụ nhưng nhiều Bộ ngành cùng tham gia, nhưng đến khi vụ việc vỡ lở sau khi hàng giả tung ra thị trường trong 4 năm liền thì không một đơn vị nào là bên trực tiếp chịu trách nhiệm?

Đó là chưa kể tràn ngập các quảng cáo thổi phồng giá trị của những sản phẩm sữa kém chất lượng hay sữa giả trên các nền tảng mạng xã hội cũng đang cho thấy bất cập về mặt quản lý ở những nền tảng này.

Còn nếu như đổ lỗi do bất cập, chồng chéo trong các thông tư, nghị định về an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa thì nên xem lại là những thông tư, nghị định này không phải từ trên trời rơi xuống mà chính các Bộ ngành liên quan tham mưu, chấp bút.

Như trong góp ý liên quan đến sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về thi hành luật An toàn thực phẩm, ông Giao Thế Việt, đại diện Công ty TNHH Thế Hệ Mới, cũng chỉ rõ có sự chồng chéo trong quản lý thực phẩm nhập khẩu và nội địa của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bên cạnh đó, theo ông Việt, còn có những hạn chế trong việc áp dụng hậu kiểm. Mặc dù chuyển sang hậu kiểm là một bước tiến lớn, nhưng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm sau kiểm tra chưa thực sự hiệu quả. Thiếu nguồn lực (nhân sự, công nghệ) và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan khiến việc phát hiện, xử lý vi phạm chậm trễ, làm giảm tính răn đe và hiệu quả quản lý.

Cũng góp ý về vấn đề an toàn thực phẩm, đại diện CTCP dược phẩm CVI đề nghị cần kiểm soát thay đổi sản phẩm sau công bố: Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chỉ quy định công bố lại khi thay đổi tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, xuất xứ sản phẩm.

Trong khi thực tế, theo CVI, có những trường hợp bổ sung thay đổi phải công bố lại ảnh hưởng bản chất sản phẩm nếu không bổ sung vào sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như doanh nghiệp (DN) lợi dụng quảng cáo để thổi phồng công dụng, đánh lừa người tiêu dùng về tính năng công dụng của sản phẩm…

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

Còn trong tờ trình gần đây về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ có nêu rõ công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý. Có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành do quy định phân công quản lý tại các luật chuyên ngành khác nhau, dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra.

Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường còn có những khó khăn như: Chưa xây dựng được đội ngũ kiểm soát viên chất lượng độc lập. Các cơ quan chuyên môn ở địa phương rất ít cơ quan có đơn vị, phòng hoặc có công chức phụ trách lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Năng lực của các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm trong nước phục vụ quản lý nhà nước còn hạn chế.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhìn nhận tình hình thực tế, Ts. Lê Văn Tấn, Viện trưởng Viện phát triển Khoa học Công nghệ và Giáo dục, cho rằng hàng giả, hàng nhái hiện nay tràn lan khắp thị trường. Phải nói là đã đến giai đoạn báo động, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe, thậm chí là đe dọa cả tính mạng của con người.

Chính vì vậy, Ts. Tấn khuyến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt là khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Riêng ở góc độ là chuyên gia về đổi mới sáng tạo, Ts. Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, đánh giá rằng tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp, và đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và lợi ích DN, và uy tín quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Hiện nay có rất nhiều thủ đoạn và hình thức tinh vi, len lỏi được vào trong thị trường. Hàng giả hàng nhái hiện nay rõ ràng là lợi nhuận rất cao, giờ làm hàng giả hàng nhái có khi còn đẹp hơn cả hàng thật, cho nên người tiêu dùng là dễ bị qua mắt. Tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất”, ông Dương nói.

Vị chuyên gia này cũng than phiền là những phương pháp truyền thống – tem nhãn, mã vạch đơn thuần – không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR.

Do đó, Ts. Dương mong rằng việc áp dụng công nghệ vào những giải pháp chống hàng giả hữu hiệu nhất sẽ đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và đặc biệt là để bảo vệ thương hiệu cho các DN làm ăn chân chính.

Xét cho cùng, trước mối đe dọa từ hàng giả có thể tiếp tục sẽ “giết chết” các DN làm ăn chân chính, không có lý do gì lại để tiếp diễn những chồng chéo, bất cập trong chính sách và trong khâu quản lý của các Bộ ngành. Điều này cần được giải quyết rốt ráo hơn bao giờ hết, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-hang-gia-tiep-tuc-giet-chet-nhung-doanh-nghiep-lam-an-chan-chinh-1106165.html