Không dễ hấp thụ vốn FDI

Nhiều chuyên gia đề nghị cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, MEMS, nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, nhất là các sản phẩm điện, điện tử gia dụng.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ số, AI và robot, công nghệ sinh học… Đây là những ngành mới và cần, để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

31,8 tỷ USD là tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay. Số vốn này được xác định là tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cho rằng sự tăng trưởng nhanh vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang gia tăng sức ép cạnh tranh lên DN nội.

DN FDI quy mô nhỏ tràn sang Việt Nam

Theo ông Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, thu hút vốn FDI 11 tháng qua tăng nhanh có lý do, đó là sự chuyển dịch nhà máy từ các nước lân cận vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất. Mặt khác, chiến tranh thương mại kéo dài đã dẫn đến sự dịch chuyển đầu tư đáng kể từ Trung Quốc sang các nước ASEAN.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có triển vọng phát triển lớn với cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Đặc biệt là với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết, Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn của thế giới. Thực tế đó đã dẫn đến hàng loạt DN sản xuất sản phẩm đầu cuối, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dịch chuyển mạnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tống Duy Khanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho rằng: “Việc thu hút DN FDI đầu tư vào sản xuất sản phẩm đầu cuối đã đem lại nhiều lợi ích cho phát triển ngành công nghiệp trong nước. Hiện tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đạt hơn 30%. Thế nhưng, thời gian gần đây, sự đổ bộ ồ ạt của DN FDI quy mô sản xuất nhỏ, rất nhỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của DN trong nước”.

Ông Khanh dẫn chứng, phần lớn doanh nghiệp FDI quy mô sản xuất nhỏ thường là DN nằm trong chuỗi cung ứng của các DN FDI đầu cuối hoặc các DN gia công phần cuối để tận dụng xuất xứ của Việt Nam. Điều này một mặt gây cạnh tranh đối kháng trực tiếp với các DN sản xuất trong nước, mặt khác làm tăng nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.

Cẩn trọng gian lận xuất xứ và áp lực cạnh tranh

Về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết tình trạng gian lận xuất xứ thời gian qua diễn ra khá phức tạp. Một số vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời như nhôm, gỗ… xuất khẩu. Hiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã bị khởi kiện 20 vụ liên quan tới hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Lê Hoài Quốc cho rằng, để tận dụng được lợi thế từ thu hút đầu tư vốn FDI, các cơ quan chức năng cần có cái nhìn toàn diện về thực trạng sản xuất công nghiệp trong nước. Từ cơ sở này, sẽ phải xác định những trọng điểm ngành cần thu hút FDI, cũng như loại bỏ ưu tiên cho những ngành không thuộc trọng điểm. Đây cũng là giải pháp gián tiếp hỗ trợ phát triển nội lực cho DN trong nước và giảm nguy cơ DN FDI đầu tư vào chỉ để tận dụng lợi thế thuế suất ưu đãi xuất khẩu mà Việt Nam đang có.

Ở góc độ khác, Chính phủ cần thấy rằng, hiện chi phí nhân công Việt Nam đang tăng lên, đến một mức nhất định sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Lúc này, khi các ưu đãi của Chính phủ đã hết thời hạn, nếu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước không phát triển để cắt giảm giá thành sản phẩm, các tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn.

Do đó, ngay từ bây giờ, phải có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ từ sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sang hệ thống DN nội địa, sớm hình thành các DN có quy mô khu vực và quốc tế để dẫn dắt nền công nghiệp. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ các DN ngành cơ khí, điện, điện tử.

Trong đó, đặc biệt chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và quản lý, điều hành.

ÁI VÂN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/khong-de-hap-thu-von-fdi-75191.html