Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học

Với quyết tâm 'Không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học', ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh trước thềm năm học mới.

Những ngày này, tại phòng Đoàn – Đội, trường Tiểu học Tô Hiệu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk luôn có giáo viên tiếp nhận sách, vở, đồng phục cũ của học sinh khóa trước dành tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn khóa sau. Từng đầu sách được phân loại, bao bọc cẩn thận, quần áo giặt sạch, gấp gọn trước khi đến tay các em.

Cô giáo Đoàn Thị Tuyết Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2024-2025, trường có hơn 1.200 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5. Một phần tư trong số đó là con em của bà con dân tộc Ê Đê ở Buôn A Lê B, nhiều em gia đình thuộc hộ nghèo.

Các đơn vị đoàn thể chung tay hỗ trợ học sinh vùng khó khăn biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Các đơn vị đoàn thể chung tay hỗ trợ học sinh vùng khó khăn biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

“Nhà trường đã triển khai đến tổng phụ trách đội rà soát các đối tượng học sinh thuộc diện khó khăn có sự ưu tiên và quan tâm. Nhà trường đã tổng hợp và có những suất quà tặng các con vào ngày khai giảng. Đảm bảo các con đến trường học có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập như các bạn khác. Thứ hai là quyên góp từ các bạn học tại trường năm trước về quần áo, đồ dùng còn tốt sẽ tặng lại các bạn có hoàn cảnh khó khăn”, cô Yến nói.

Ở huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thời điểm này, các trường đã sẵn sàng cho năm học mới. Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm học 2024-2025, toàn huyện có hơn 16.000 học sinh học tại 34 cơ sở giáo dục từ bậc mần non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên. 50% số học sinh là con em dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

Để các em đến trường đầy đủ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các ban, ngành liên quan sớm triển khai các chương trình hỗ trợ theo chính sách dành cho các em. Đồng thời, phối hợp với các trường có kế hoạch cụ thể trong việc tăng cường huy động học sinh đến lớp, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện có hiệu quả hoạt động đồng hành học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Các trường cũng đã có sự kết nối với các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm đã có sự hỗ trợ cho các em học sinh về cặp, vở, đồ dùng học tập, quần áo để giúp cho các em có động lực vui vẻ đến trường”, ông Đỗ Ngọc Anh thông tin.

Các trường học vận động các nhà hảo tâm ủng hộ đồng phục cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Các trường học vận động các nhà hảo tâm ủng hộ đồng phục cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Tại huyện Ea Súp, cũng là một huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, năm học này dự kiến có gần 18.000 học sinh đến trường. Bên cạnh nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã thực hiện rà soát các trường hợp học sinh khó khăn để kịp thời phối hợp các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ các em, không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học.

Ông Nguyễn Văn Khóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vận động tài trợ sách, vở, đồ dùng học tập để tổ chức chương trình tiếp sức đến trường đối với năm học 2024 - 2025. Đến nay đã tiếp nhận hơn 18.700 quyển vở và trao 50 xe đạp và 50 phần quà cho học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo”.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 500.000 học sinh các cấp. Ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng với các hoạt động tiếp sức đến trường dành cho học sinh nghèo được ngành Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai từ sớm đã giúp các em có sự chuẩn bị chu đáo cho năm học mới.

Việc làm thiết thực, ý nghĩa này không chỉ góp phần phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” mà còn tiếp thêm niềm tin, nghị lực, giúp học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường khi năm học mới cận kề.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-de-hoc-sinh-vi-hoan-canh-kho-khan-ma-phai-nghi-hoc-post1116461.vov