Không để kéo dài vướng mắc sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư

Yêu cầu trên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc 2,5 ngày chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV, sáng 8/11.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn.

Sau 2,5 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt đại biểu tranh luận.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp, không để phát sinh quy định mới không phù hợp

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp, ông Huệ cho hay và nhấn mạnh một số nội dung chính qua hoạt động chất vấn.

Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đối với lĩnh vực kinh tế tổng hợp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội. Tập trung mọi nỗ lực để sớm hoàn thành, phê duyệt, quyết định các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nội dung tiếp theo được ông Huệ đề cập là triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

“Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất nhận thức, không để kéo dài những vướng mắc, bất cập về sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư”, ông Huệ yêu cầu.

Sau chất vấn, Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, rà soát, hoàn thiện pháp luật; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, tỷ lệ chi phí trả nợ… trong giới hạn cho phép, tiếp tục cải thiện tín nhiệm quốc gia.

Khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, chính sách thuế theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sửa đổi quy định về mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị trong Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội về giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, sớm giải quyết dứt điểm các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

"Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp thua lỗ. Tiếp tục quan tâm phát triển thị trường vốn; cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Huệ phát biểu.

Bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng

Đối với lĩnh vực kinh tế ngành, nội dung được Chủ tịch Quốc hội nêu là khẩn trương phê duyệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8. Khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ triển khai các loại hình khu công nghiệp mới (như khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyên ngành) nhằm hình thành chuỗi liên kết ngành, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; tận dụng các thị trường hiện có, khai thác các thị trường mới tiềm năng. Tăng cường quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; tổ chức triển khai Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng.

Hoàn thiện chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Trong năm 2024, ban hành Bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án đường bộ cao tốc và phân kỳ đầu tư phù hợp.

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam trong quý I năm 2024. Có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng; xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quy định về tổ chức giao thông, hiện tượng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông sau khi giải tỏa. Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về “Chuẩn tắc dự kiến nạo vét” đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Sớm đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc, ông Huệ yêu cầu.

Vấn đề được Chủ tịch Quốc hội nêu còn có xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trong năm 2024, ban hành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển đô thị. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu, đẩy mạnh số hóa trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Ban hành đầy đủ 12 bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

"Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, triển khai hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-de-keo-dai-vuong-mac-su-dung-kinh-phi-chi-thuong-xuyen-co-tinh-chat-dau-tu-d202650.html