Không để khan hàng, sốt giá sau bão

Ngay sau bão số 3, lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, giám sát thị trường tại một số tỉnh, thành phố nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng đời sống và tâm lý người dân.

Chợ dân sinh trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hoạt động trở lại. Nguồn: HNM.

Chợ dân sinh trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hoạt động trở lại. Nguồn: HNM.

Nhịp kinh doanh dần ổn định trở lại

Sáng 9/9, hai ngày sau khi bão số 3 qua đi, các chợ dân sinh của Hà Nội đã hoạt động bình thường tuy lượng hàng hóa chưa nhiều. “Mưa bão gây thối hỏng, dập nát rau xanh. Bí xanh, bí đỏ và các loại quả như dưa chuột, su su… Tuy nhiên, hàng hóa vẫn dồi dào, giá vẫn ổn định” – chị Hoa, một tiểu thương ở chợ tạm La Khê, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.

Cập nhật giá cả một số mặt hàng cho thấy giá đã dần ổn định, chẳng hạn bắp cải 16.000 – 18.000 đồng/kg, bí đỏ 15.000 đồng/kg, dưa chuột 20.000đồng/kg, cà chua 32.000 đồng/kg. Riêng giá các loại rau gia vị đắt hơn, rau muống 20.000 đồng/mớ, cải ngọt 35.000đồng/kg.

Chị Thủy, bán rau tại chợ Cổng (Hà Đông) cho biết, do ảnh hưởng của bão nên không đi lấy hàng được, rau xanh các loại còn từ hôm trước bán hết, tại khu vực chợ này giá vẫn giữ ổn định. Về một số loại rau xanh tăng giá, chị Thủy cho biết, tại một số điểm ở gần khu dân cư, người bán không đi lấy hàng được, họ phải ship về, sau mưa bão không có rau tươi ngon như ngày thường, chi phí tăng nên bán đắt hơn.

Chị Ngọc Lan, tiểu thương bán thịt lợn ở Hà Đông cho biết, thịt lợn mấy hôm nay nhập lên vài giá nhưng chị vẫn bán đúng giá như những ngày thường. Sáng 9/9 guồng quay mua bán đã dần trở lại nhịp bình thường.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, từ ngày 8/9, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đã mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các điểm bán đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa bình thường, không xảy ra đứt gãy.

Còn theo Vụ Thị trường trong nước, (Bộ Công thương), từ ngày 8/9 cơ bản các điểm bán hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã mở cửa hoạt động phục vụ người dân. Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu dùng trên thị trường trở lại bình thường, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu. Tại Hải Phòng, các chợ đầu mối đã hoạt động trở lại.

Sáng 9/9, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân đồng thời tiếp tục khắc phục sự cố do mưa bão gây ra.

Cũng theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, trên địa bàn thành phố Hải Phòng bị mất điện và mất nước từ ngày 7/9 nên nhiều mặt hàng như sạc dự phòng, quạt tích điện, nước đóng chai, các loại mỳ, bánh mỳ, bim bim, sữa tại các cửa hàng và các siêu thị, sức mua tăng đột biến (tăng trên 250% so với ngày thường). Tối 8/9, nhiều hàng ăn uống tại khu vực nội thành đã mở cửa phục vụ nhu cầu khách hàng, theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn, lượng khách đến mua hàng tăng trên 200% so với ngày thường.

Đến sáng 9/9, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có điện, nước và mạng di động, hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cửa hàng đã bắt đầu trở lại.

Tại Bắc Giang, trên địa bàn huyện Sơn Động, dù là huyện miền núi nhưng ngay sau bão, hoạt động cung ứng hàng hóa đã đảm bảo, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định. Các cửa hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và công tác khắc phục sau bão...

Ngăn chặn tăng giá bất hợp lý

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo toàn lực lượng QLTT thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và của UBND các tỉnh, thành phố về việc bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 3 gây ra.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ đạo toàn lực lượng QLTT tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính; Công khai nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Thực tế tại nhiều chợ dân sinh và các siêu thị lớn, nhỏ cho thấy, ngày 8/9 và 9/9, sau khi bão số 3 đi qua, một số ít mặt hàng đã tăng giá, đặc biệt là rau xanh, hải sản. Tuy nhiên, không xảy ra nguy cơ đứt gãy hàng hóa khi vận chuyển, cho dù vẫn còn nhiều khó khăn do bão số 3 gây ra.

H.Hương-P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-khan-hang-sot-gia-sau-bao-10289796.html