Không để khan hiếm vật liệu ảnh hưởng tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công do khan hiếm vật liệu...
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chiều 4/3.
Nhà thầu "khóc ròng" vì thiếu vật liệu đắp nền đường
Chiều 4/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp kiểm tra công trường thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) qua tỉnh Bình Thuận, hiện còn 18 hộ chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng. Trên tuyến chính đã bàn giao 100%. Các vị trí mặt bằng còn vướng tập trung chủ yếu tại các vị trí nút giao, đường nhánh, các đường ngang chưa nhận tiền bồi thường.
Mặt bằng qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã bàn giao 50,43Km/51,33Km (đạt 98,2%). Tại gói thầu XL04, mặt bằng tuy chỉ còn vướng 0,5Km, nhưng không triển khai thi công được 3 cầu vượt, đặc biệt là cầu vượt tại nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có điều kiện thi công khó khăn do thi công trên đường cao tốc đang khai thác, nguy cơ không đáp ứng được tiến độ.
Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Cũng tại buổi làm việc, nhiều nhà thầu phản ánh tình hình vật liệu đắp nền ở 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai rất khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu của dự án. Các mỏ đất theo quy hoạch được chỉ ra trong hồ sơ thiết kế hiện chưa được cấp phép hoặc hết hạn khai thác.
“
Các nhà thầu cho rằng, thời gian gần đây đã đi khảo sát và đề xuất nhiều vị trí có nguồn đất đắp đáp ứng yêu cầu dự án; Đồng thời đã làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai để được cấp phép khai thác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
”
Trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có 4 mỏ đất gồm: đồi Bình Minh, Gia Măng, ấp Chính Nghĩa, ấp Tân Mỹ thuộc huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Nhà thầu đã ký hợp đồng với các chủ mỏ để triển khai xin cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, thủ tục cấp giấy phép khai thác của các chủ mỏ mất rất nhiều thời gian.
"Việc khan hiếm vật liệu đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi công. Vật liệu đắp nền rất khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu của dự án. Các mỏ đất theo quy hoạch được chỉ ra trong hồ sơ thiết kế hiện chưa được cấp phép hoặc hết hạn khai thác", đại diện các nhà thầu nói.
Ông Nguyễn Văn Huấn - PGĐ Ban QLDA Thăng Long yêu cầu các nhà thầu lập kế hoạch chi tiết để kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình.
Kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng
Ông Nguyễn Văn Huấn, PGĐ Ban QLDA Thăng Long cho biết, khó khăn về mặt bằng hiện đã cơ bản giải quyết xong. "Tiến độ dự án phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung ứng vật liệu đặc biệt là các mỏ đất đắp. Do vậy, các cơ quan liên quan của địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các mỏ vật liệu đã có trong quy hoạch để sớm khai thác, cung ứng cho dự án", ông Huấn đề xuất.
Cũng theo ông Huấn, Ban QLDA Thăng Long cũng yêu cầu các liên danh nhà thầu lập kế hoạch hành động, tiến độ chi tiết các tháng 3, 4, 5, 6 để bù đắp được sản lượng đã chậm. Tiến độ cần lập theo tuần với số lượng máy móc, thiết bị, nhân lực, kế hoạch tập kết các loại vật liệu đưa về tại bãi công trình, có mốc thời gian cụ thể huy động trạm trộn bê tông xi măng.
Tiến độ các gói thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó khăn do thiếu vật liệu đất đắp thi công nền đường.
Kết luận buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia. Khi yêu cầu chuyển đổi các dự án sang hình thức đầu tư công, Quốc hội đã yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022. Qua kiểm tra công trường cho thấy, công tác triển khai thi công đã có dấu hiệu tích cực, nhà thầu đã huy động thiết bị, máy móc ra công trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Đông lưu ý, việc khan hiếm vật liệu cũng ảnh hưởng đến tiến độ một số gói thầu, nhưng không vì thế để ảnh hưởng đến tiến độ chung. Nhà thầu phải chủ động trong công tác tìm kiếm nguồn vật liệu đất đắp và các phương án hoặc xay đá làm vật liệu đắp nền đường.
"Ban QLDA Thăng Long cần lập lại tiến độ tổng thể, kiểm soát chặt tiến độ của từng gói thầu, làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăng về vật liệu. Đơn vị thi công nào sau nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo không có chuyển biến sẽ bị phạt theo hợp đồng", Thứ trưởng Đông nói.