Không để lọt 'ma men' cầm lái: Trách nhiệm không nhỏ của chủ doanh nghiệp

Đã đến lúc, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải cần được quy định rõ ràng khi để tài xế do đơn vị mình quản lý sử dụng rượu bia, chất kích thích gây TNGT.

Đầu vào tốt sẽ không để lọt "ma men"

Rượu bia là chất kích thích không chỉ tác động xấu đến sức khỏe, khiến các phản ứng sinh học của con người chậm chạp mà nó còn làm cho người sử dụng có những hành vi gây nguy hiểm đến xã hội, trong đó có việc điều khiển phương tiện, gây TNGT trên đường.

Theo nghiên cứu, một người uống quá nhiều rượu bia, xác suất xảy ra TNGT có thể tăng lên 40 - 50 lần so với bình thường. Một thống kê khác tại Việt Nam cho thấy, TNGT do phương tiện và hạ tầng, đường sá chỉ chiếm chưa đến 01%. Trong khi đó, 95% nguyên nhân TNGT xảy ra do lỗi của con người và người sử dụng rượu bia điều khiển xe gây tai nạn chiếm khoảng 1/3. Do vậy, chỉ cần ngăn chặn được “ma men” lái xe, số vụ TNGT hàng năm ở nước ta chắc chắn sẽ được kéo giảm đáng kể.

Thế nhưng những năm qua, công tác kiểm soát người tham gia giao thông uống rượu bia vẫn tồn tại không ít bất cập, chưa được đầu tư đủ nhân lực, vật lực, tài lực và chưa được phát hiện kịp thời. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp vận tải lơ là công tác quản lý, giám sát, để một bộ phận lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt Travel) cho rằng, tình trạng tài xế chạy xe tải, xe container, xe khách... sử dụng rượu bia, chất kích thích khá nhiều gây ảnh hưởng đến ATGT, uy tín doanh nghiệp. Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên phần lớn là do các doanh nghiệp không đủ khả năng quản lý, kiểm soát đời sống tài xế hoặc vì quá thiếu tài xế nên vô tình sử dụng luôn cả tài xế nghiện ngập.

Phải nói thẳng, việc bỏ lọt lái xe nghiện ngập, sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe là trách nhiệm chính của doanh nghiệp chứ không phải của cơ quan chức năng. Hơn nữa, dù cơ quan chức năng có ra quân kiểm tra cũng chỉ là thời vụ, nên khó giải quyết triệt để. Vì thế, khi tuyển dụng lái xe, các bộ phận nhân sự của doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra, xét nghiệm kỹ càng đảm bảo đầu vào tốt. Nếu làm tốt khâu này sẽ không thể có chuyện để lọt những lái xe nghiện ngập, sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

“Như doanh nghiệp chúng tôi có hàng trăm lái xe, khi tuyển dụng tôi đều mời cán bộ bệnh viện đến thử máu, nước tiểu và nồng độ cồn tại chỗ chứ không để họ tự đi khám sức khỏe rồi đem kết quả đó nộp cùng hồ sơ. Định kỳ 3 tháng một lần, việc này sẽ được tiến hành lại, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm là chấm dứt hợp đồng ngay”, ông Bằng cho biết.

Theo ông Bằng, ý thức được mối nguy hại của việc sử dụng rượu bia khi lái xe nên khi ký hợp đồng với tài xế thì Công ty buộc phải đưa ra điều khoản chặt chẽ hơn so với trước đây. Cụ thể, ngoài hợp đồng quy định chung thì tài xế còn có thỏa thuận riêng là không được sử dụng rượu bia trong quá trình lái xe. “Thậm chí, chúng tôi còn quy định khi tài xế uống rượu bia mà gây ra tai nạn thì phải tự chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho công ty”, ông Bằng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, nhìn chung các doanh nghiệp vận tải luôn muốn chấp hành tốt các quy định của pháp luật và mong doanh nghiệp mình không bao giờ có lái xe nghiện ma túy hay uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào họ cũng có thể kiểm soát được tất cả mọi trường hợp. Khi ở doanh nghiệp thì lái xe chấp hành, nhưng khi lái xe trên đường, nếu họ có sử dụng rượu bia, chất kích thích thì doanh nghiệp cũng không thể biết được. Vì thế, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp là rất cần thiết.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT, TTGT, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên nghiên cứu những biện pháp để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu doanh nghiệp vi phạm khi tài xế gây tai nạn thì xử lý trách nhiệm tương ứng với cả doanh nghiệp.

Nâng cao ý thức, kiểm soát tốt từ khâu đầu ra của lái xe

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp vận tải phía Nam rất quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường xử lý và làm hết trách nhiệm để các tài xế không dám sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe. Nếu xảy ra tai nạn không chỉ thiệt hại cho người bị nạn, tài xế mà chính các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, ông Võ Nguyên Vũ - Giám đốc Công ty Vận tải Nguyên Lộc, đơn vị đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bản thân một doanh nghiệp vận tải không hề mong muốn tài xế của mình “dính” vào “ma men” khi tham gia giao thông, bởi những thiệt hại về người và của là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên hiện nay, các chế tài từ doanh nghiệp đều chưa rõ ràng khi tuyển tài xế. Mặt khác, nhiều đơn vị doanh nghiệp do đơn hàng gấp đã phân công lịch dày đặc bất chấp tình trạng sức khỏe cũng như điều kiện đảm bảo ATGT của các tài xế.

Để đảm bảo TTATGT, hạn chế thấp nhất TNGT liên quan đến rượu bia và chất kích thích, vừa qua Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát lại hệ thống pháp luật, các quy định về xử phạt phù hợp với từng hành vi, đối tượng, trong đó đối với người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông, các bộ phận quản lý gián tiếp và chủ doanh nghiệp.

Nói về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, ông Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật, Điều tra và Xử lý TNGT (Cục CSGT) cho rằng: “Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế, trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của tài xế chưa được thực hiện. Doanh nghiệp lơ là việc quản lý tài xế, trong khi đó chế tài khi để xảy ra tai nạn lại đang quá nhẹ. Hiện nay, chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, doanh nghiệp đều “phủi tay” rằng họ không biết tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích. Chế tài nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng”.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ những hình ảnh, hệ lụy sau TNGT nếu tài xế cố tình sử dụng chất kích thích gây tai nạn. “Việc nâng cao ý thức của tài xế cũng cần kiểm soát từ khâu đầu ra (nhất là tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe). Có như vậy, chúng ta mới giải quyết một cách thấu đáo tình trạng này”, ông Sơn nêu quan điểm.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/khong-de-lot-ma-men-cam-lai-trach-nhiem-khong-nho-cua-chu-doanh-nghiep-d77598.html