Không để mất mùa sau mưa lũ

Năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên gieo cấy trên 38.300ha lúa mùa, trong đó trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn chín sáp, thu hoạch, trà lúa mùa muộn ở giai đoạn làm đòng. Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, một số diện tích lúa bị ngập lụt; bệnh bạc lá vi khuẩn phát sinh, gây hại trên trà lúa mùa muộn. Ngoài ra, điều kiện thời tiết đang tạo thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại cho lúa (như rầy các loại, sâu đục thân 2 chấm, khô vằn, bạc lá vi khuẩn, đạo ôn cổ bông...).

Người dân An Khánh (Đại Từ) tích cực thăm đồng để phát hiện và xử lý tình trạng sâu bệnh hại lúa kịp thời.

Người dân An Khánh (Đại Từ) tích cực thăm đồng để phát hiện và xử lý tình trạng sâu bệnh hại lúa kịp thời.

Những ngày này, người dân xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai), khá lo lắng khi phát hiện lúa mùa bị bạc lá, rầy nâu… Bà Lâm Thị Hồng, một người dân trong xóm, cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy gần 1 mẫu lúa. Trong đợt mưa lũ vừa qua, ruộng lúa của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng khoảng 1 tuần nay bắt đầu xuất hiện sâu bệnh gây hại khiến lúa bị bạc lá.

Không riêng ở xã La Hiên, một số diện tích lúa mùa muộn trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh gây hại. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, cho biết: Sâu bệnh gây hại đang phát triển khá mạnh trên trà lúa mùa muộn. Với mục tiêu không để mất mùa sau mưa lũ, ngay khi lũ rút, chúng tôi đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng…

Hiện nay, các địa phương đã chỉ đạo lực lượng cán bộ khuyến nông tiếp tục tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại, chủ động tham mưu các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả trên trà lúa mùa cuối vụ, nhất là với rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông...

Một số bà con ở xã La Hiên (Võ Nhai) cho biết: Đối với bệnh bạc lá, chúng tôi được khuyến cáo phun thuốc trừ khi bệnh xuất hiện kết hợp với các biện pháp canh tác khác như: dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng; sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ…

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Phú Cường (Đại Từ) thu hoạch lúa sau bão số 3.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Phú Cường (Đại Từ) thu hoạch lúa sau bão số 3.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang tích cực kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ; nắm bắt những khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao đến môi trường (bãi chôn lấp chất thải rắn nông nghiệp, điểm tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV, kho thuốc BVTV...), hướng dẫn tổ chức, cá nhân có phương án xử lý, thu gom chất thải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ông Tầm Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã La Hiên, cho biết: Chúng tôi yêu cầu cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại; tăng cường điều tra dự tính dự báo, kiểm tra thăm đồng nắm bắt tình hình sâu bệnh trên trà lúa mùa muộn để kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ năng suất sản lượng cây trồng năm 2024...

Các địa phương cũng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín để đẩy nhanh tiến độ trồng cây màu vụ đông; tiến hành chăm sóc xới xáo phá váng, bón phân bổ sung, phòng trừ sâu bệnh gây hại, không để sâu bệnh gây hại lúa mùa muộn gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Với những diện tích bị ngập lụt đang phân hủy do ngâm nước lâu ngày, các địa phương đã chỉ đạo nông dân nhanh chóng tháo nước khỏi ruộng, thu gom, xử lý vệ sinh đồng ruộng bằng các chế phẩm sinh học giúp cho cây trồng nhanh phân hủy hoặc thu gom các sản phẩm lúa chết và phụ phẩm gốc rơm rạ, ngô lên vị trí cao. Sau đó, ủ phân hữu cơ tận thu để bón cho cây trồng vụ đông, hạn chế tối đa việc đốt lúa, gốc rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường...

Năm nay, tỉnh phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt trên 434 nghìn tấn, trong đó có hơn 363 nghìn tấn lúa. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, cùng với việc bảo vệ cây trồng sau mưa lũ, đặc biệt là với cây lúa, thì việc sử dụng các giống ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng tốt trong vụ đông cũng là ưu tiên hàng đầu của tỉnh (toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.690ha ngô vụ đông). Cùng với đó là chỉ đạo tập trung cho cây trồng ngắn ngày trước mắt (rau màu) để mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/khong-de-mat-mua-sau-mua-lu-7e82920/