Không để người có công nào bị quên lãng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào Đền ơn đáp nghĩa để bù đắp những thiệt thòi của những người có công với cách mạng
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023), ngày 22-7, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Hơn 300 đại biểu đại diện cho 9,2 triệu người có công với cách mạng trên toàn quốc tham dự hội nghị.
Nỗ lực đền ơn đáp nghĩa
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ; hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có những trường hợp hy sinh từ thời kỳ chống Pháp.
Đặc biệt, có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm, đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ như cụ Phạm Khánh ở Nghệ An. Liệt sĩ Trang Hồng Vinh (Trà Vinh) nguyên là hiệu tín viên, hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Với rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công.
"Trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng đội"… ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hoàn thiện chính sách đối với người có công
Tại hội nghị, 15 người là cựu chiến binh, thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính trao lại những kỷ vật, giấy tờ mà Nhà nước giữ lại trước khi họ lên đường vào Nam chiến đấu.
Bày tỏ sự xúc động trước những đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 300 đại biểu có mặt tại hội nghị là những tấm gương sáng, động viên, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mọi người. "Trong thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách. Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Theo Thủ tướng, trong giai đoạn 2012-2022, Đảng và Nhà nước đã dành hơn 357.000 tỉ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỉ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đã dự buổi họp mặt kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên cho biết những chính sách chăm lo của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với các thương binh, liệt sĩ và những người có công không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Ông bày tỏ tin tưởng các thương binh, gia đình liệt sĩ sẽ luôn cảm thông và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua thử thách trong cuộc sống.
Bí thư Thành ủy TP HCM kêu gọi lãnh đạo, các ngành các cấp, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, luôn đặt ưu tiên việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng.
Cùng ngày, tại Khu Di tích chiến thắng Ông Hào (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã diễn ra buổi họp mặt kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tại buổi họp mặt, Ban Tổ chức đã trao 52 căn nhà Đại đoàn kết (50 triệu đồng/căn) và 600 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho gia đình chính sách, người có công ở 2 địa phương.
Tri ân 99 liệt sĩ thanh niên xung phong
Sáng 22-7, tại Khu Tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong (tỉnh Tây Ninh), Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trên chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Tháng 4-1977, quân Khmer Đỏ xâm lấn, tàn sát dã man đồng bào tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Thời điểm này, đội viên thanh niên xung phong đang tham gia lao động sản xuất, khai hoang phục hóa ở các huyện ngoại thành đã quyết tâm xung phong ra chiến trường. Tại đây, 99 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ các liệt sĩ thanh niên xung phong, Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM đã chọn ngày 22-7 làm ngày giỗ hằng năm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-nguoi-co-cong-nao-bi-quen-lang-20230722210600335.htm