Không để người dân 'mòn mỏi chờ'

Sau khi Quốc hội thảo luận kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5, việc giải quyết kiến nghị của cử tri tốt hơn, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri được nâng lên. Nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết đạt tỷ lệ cao…

Theo Báo cáo số 658 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 là 2.765, đến nay đã giải quyết, trả lời được 2.751/2.765 đạt 99,5%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 69/69 kiến nghị, đạt 100%. Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị đạt 99,5%, trong đó đã giải trình, cung cấp thông tin về 2.144 kiến nghị, chiếm 82,8% tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết. Đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết xong 111 kiến nghị, chiếm 4,3% trong tổng số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết trả lời; đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét giải quyết 336 kiến nghị của cử tri chiếm 13%. Tòa án nhân dân tối cao. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận và trả lời 61/61 kiến nghị của cử tri và các tổ chức chính trị xã hội; các cơ quan, tổ chức khác đã tiếp nhận trả lời 30/30 kiến nghị cử tri, đạt 100%.

ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) phát biểu tại hội truường. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua, nhìn chung các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu, giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Một số kiến nghị của cử tri đã được bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tích cực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ những vấn đề mà kiến nghị của cử tri quan tâm. Những kết quả đó đã được cử tri đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ.

Theo ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), “việc giải quyết kiến nghị của cử tri thời gian vừa qua đã góp phần rất quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống xã hội của người dân và doanh nghiệp của các địa phương. Việc giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri đã góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là giải pháp để hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, giúp góp phần ổn định tình hình, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải băn khoăn khi các bộ, ngành giải trình và cung cấp thông tin còn chiếm tỷ lệ rất cao, tới 82,8% tổng số kiến nghị của cử tri xem xét, giải quyết, trả lời. Trong khi đó kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết chỉ có 4,3%. “Theo tôi, việc giải thích, cung cấp thông tin là rất cần thiết nhưng nhiều cử tri mong muốn mỗi kiến nghị có căn cứ thì cần được xem xét cụ thể thực tiễn vấn đề để xem xét, giải quyết có kết quả cụ thể”.

Bên cạnh đó, còn hiện tượng trả lời chung chung chưa thật sự thuyết phục, nhiều bộ, ngành trả lời còn chậm trong giải quyết kiến nghị cử tri. Trách nhiệm của các địa phương, một số nơi chưa đề cao trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của cử tri để cử tri kiến nghị nhiều lần, thậm chí có việc chuyển thành đơn thư khiếu nại, tố cáo.

“Vẫn còn một số vấn đề mà cử tri quan tâm, đã kiến nghị nhiều lần và đã được các bộ, ngành Trung ương ghi nhận để xem xét, giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Cử tri đặt câu hỏi: Tại sao các bộ, ngành đánh giá các kiến nghị của cử tri là đúng, là thực tế, đã tiếp thu, ghi nhận nhưng các giải pháp triển khai lâu quá, người dân mòn mỏi chờ”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực tế.

Thực tế đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu cũng được các đại biểu khác đề cập. Cụ thể như, chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi từ năm 2021 đến nay chưa được thực hiện (ĐBQH Nguyễn Văn Huy - Thái Bình); hay quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã 26 năm, “rất dài, gần như một cuộc đời, một học sinh mà khi người dân sinh ra đến giờ con em ra trường rồi vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch này” (ĐBQH Dương Văn Phước - Quảng Nam); việc bổ sung chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, tăng mức hỗ trợ trồng rừng, vì quy định hiện hành không còn phù hợp (ĐBQH Nàng Xô Vi - Kon Tum)…

Trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm đến kết quả các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri. Do đó, để thực hiện đúng quy định của pháp luật, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân với Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, ĐBQH Nàng Xô Vi đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường và thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. “Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành ở trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời hơn nữa về việc xem xét, giải quyết đối với các kiến nghị xác đáng của cử tri thuộc trách nhiệm, quyền hạn và giải quyết trả lời của các cấp mình, ngành mình, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân và cử tri”.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/khong-de-nguoi-dan-mon-moi-cho-i351361/