Không để người tiêu dùng thiệt thòi
Thương mại điện tử đã và đang mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá rẻ hơn, doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí… Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến cũng tạo ra những mặt trái của nó.
Đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tràn lan. Không chỉ xuất hiện trên thị trường truyền thống, hàng giả hàng nhái thâm nhập vào các kênh bán hàng trực tuyến nhằm lừa bịp người tiêu dùng.
Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng, hoặc hàng giao không đúng với sản phẩm mình lựa chọn, thường tặc lưỡi cho qua, vì nghĩ công đi kiện cáo có khi lại thành… công cốc, tiền mất tật mang. Chính bởi vậy, lợi dụng tâm lý này, nhiều doanh nghiệp, đối tượng làm ăn chộp giật, chỉ bán hàng một lần rồi… lặn không sủi tăm.
Một phần của thực trạng này còn nằm ở phía nhà quản lý. Bản thân Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng thừa nhận khi nêu thực trạng, do tính chất của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp nhau, dẫn đến việc không cần cửa hàng, không biết kho hàng nằm ở đâu. Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh online nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Và ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng, cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai...
Có thể thấy, với những bất cập, lỗ hổng còn tồn tại trên các sàn thương mại điện tử, thiết nghĩ, nhà quản lý cần phải đưa ra các chế tài mạnh tay, đủ sức răn đe hơn để siết chặt thị trường này, nhằm đảo bảo tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ chữ tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/khong-de-nguoi-tieu-dung-thiet-thoi-tintuc467740