Không để nhiều vướng víu làm đầu ra của hàng Việt gặp khó

Để đầu ra của hàng Việt được thông suốt hơn và không phải gặp vướng víu về đầu ra, điều kỳ vọng là cần tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể ở lĩnh vực bán lẻ. Và nhất là cần cắt giảm các thủ tục có tính 'rào cản' (như thủ tục liên quan khuyến mại hay thủ tục thông báo với website thương mại điện tử bán hàng) gây khó khăn cho việc bán hàng của doanh nghiệp.

Để lĩnh vực bán lẻ trong nước được phát triển tốt hơn trong thời gian tới, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế của CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce, đề xuất nên có chính sách tín dụng ưu đãi quy mô lớn dành cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh logistics.

Cần chính sách hỗ trợ cụ thể với bán lẻ

Bên cạnh đó, theo bà Thanh, cần có chương trình ưu đãi hỗ trợ cụ thể nhằm kết nối, xúc tiến thương mại giữa DN sản xuất, DN logistics với các chuỗi bán lẻ. Để từ đó trở thành những chuỗi cung ứng chủ động, đảm bảo sự thông suốt trong việc lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa.

Để đầu ra của hàng Việt được khơi thông đang cần chính sách hỗ trợ ở ngành bán lẻ và cắt giảm những thủ tục có tính chất “rào cản” với hoạt động bán hàng của DN.

Để đầu ra của hàng Việt được khơi thông đang cần chính sách hỗ trợ ở ngành bán lẻ và cắt giảm những thủ tục có tính chất “rào cản” với hoạt động bán hàng của DN.

Về chính sách thuế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP hôm 30/6/2025 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội. Trong đó quy định thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Theo vị giám đốc pháp chế nêu trên, việc giảm thuế VAT đối với một số mặt hàng trong thời gian qua đã mang lại rất nhiều hỗ trợ cho các DN bán lẻ trong việc giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, tăng sức mua, giúp DN dễ dàng tiếp cận người mua nhằm tiêu thụ sản phẩm. Và điều mong mỏi là nên tiếp tục duy trì dài hạn và bền vững đối với chính sách hỗ trợ quan trọng này.

Đồng thời, bà Thanh cho rằng cần dành các điều kiện ưu đãi đặc biệt về thuế, các khoản hỗ trợ tài chính và tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN bán lẻ trong nước tiếp cận những nguồn vay, giảm lãi suất kéo dài.

Mặt khác, theo bà Đoàn Thị Hương Thanh, nên có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành của các DN bán lẻ trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Chẳng hạn như chính sách đặc thù để kéo giảm chi phí điện năng với các chuỗi bán lẻ có mặt bằng kinh doanh lớn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng ven. “Trên thực tế, như chuỗi bán lẻ của chúng tôi hiện nay mỗi năm phải trả hơn 1.000 tỷ đồng tiền chi phí điện, nên rất mong có chính sách tích cực cho vấn đề này”, bà Thanh nói.

Ngoài ra, giới chuyên gia nhấn mạnh nên xây dựng, liên kết hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại và phát triển hệ thống logistics nội địa. Điều này kỳ vọng các tỉnh, thành mới sau sáp nhập sẽ hỗ trợ các DN bán lẻ tiếp cận các quy hoạch hạ tầng thương mại.

Hơn thế nữa, cần có chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, phát triển logistics ở những địa phương mới sau sáp nhập để đồng bộ với hệ thống, kết cấu hạ tầng thương mại, mạng lưới logistics quốc gia và các trung tâm logistics hiện đại. Đặc biệt là các địa phương mới cần giảm chi phí vận hành cho DN bán lẻ nội địa để tạo sức cạnh tranh với các nhà bán lẻ của khối ngoại.

Ngoài vấn đề chính sách hỗ trợ như những đề xuất kể trên, việc tháo gỡ, cắt giảm các vướng víu về mặt thủ tục cũng là điều cần làm nhằm giúp hàng hóa trong nước để khơi thông đầu ra một cách hiệu quả hơn.

Như trong thượng tuần tháng 7/2025, khi góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một số thủ tục trong xúc tiến thương mại và thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn mang tính bất cập gây khó khăn cho việc bán hàng của DN.

Đơn cử như thủ tục liên quan khuyến mại. Phía VCCI đề nghị cân nhắc bỏ hoàn toàn các thủ tục liên quan đến khuyến mại và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các hoạt động này.

Theo VCCI, khuyến mại là một trong những phương thức để thúc đẩy hoạt động bán hàng của DN, giới thiệu sản phẩm và là hoạt động diễn ra thường xuyên của DN. Việc yêu cầu DN phải thực hiện các thủ tục thông báo hoặc đăng ký (có tính chất như cấp phép), mặc dù thủ tục thông báo là đơn giản và chỉ giới hạn trong một số hình thức khuyến mại, nhưng cũng tạo ra một khối lượng lớn thủ tục mà DN phải thực hiện.

Nên cắt giảm những thủ tục có tính “rào cản”

Trong khi đó, cơ chế quản lý đối với hoạt động này là chưa rõ ràng, nhất là tiêu chí để cơ quan nhà nước chấp thuận đăng ký hay là từ chối. Điều đó vừa chưa đảm bảo yếu tố minh bạch vừa không rõ mục tiêu quản lý mà lại tại tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý nếu như DN “quên” không thực hiện thủ tục.

Để tạo tính tự chủ và thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, VCCI cũng đề nghị cân nhắc bỏ các giới hạn đối với các hình thức khuyến mại. Bởi lẽ, việc đặt ra giới hạn về tỷ lệ giá trị hàng hóa khuyến mại, mức giảm giá tối đa của hàng hóa khuyến mại là chưa hợp lý và can thiệp một cách bất hợp lý vào hoạt động kinh doanh của DN. Nếu có lo ngại về yếu tố tác động cạnh tranh của việc giảm giá hàng hóa quá mức thông qua hình thức khuyến mại thì có thể giải quyết bằng công cụ của pháp luật cạnh tranh.

Còn đối với lĩnh vực TMĐT, riêng về thủ tục thông báo với website thương mại điện tử bán hàng, phía VCCI đề nghị bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website TMĐT bán hàng thay vì chỉ điều chỉnh phân cấp như đề xuất tại Dự thảo. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.

Bởi lẽ, website thương mại điện tử bán hàng là website do thương nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình. Như vậy, về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới.

Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

“Việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết”, phía VCCI nêu rõ.

Thực ra, việc lập website TMĐT bán hàng trở nên vô cùng phổ biến trong thời đại kinh doanh số hiện nay. 44% DN sở hữu website, trong đó 42% website có tính năng đặt hàng trực tuyến, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục TMĐT và Kinh tế số – Bộ Công Thương.

Hơn nữa, cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các DN không đăng ký website TMĐT bán hàng. Như vậy, theo VCCI, có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TMĐT không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ TMĐT.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-nhieu-vuong-viu-lam-dau-ra-cua-hang-viet-gap-kho-1107928.html