Không để phản ứng trái chiều cản bước thi hành Luật Giao thông mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2025 về việc tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện, không vì dư luận trái chiều mà chùn bước trong việc bảo đảm an toàn cho người dân...

Ảnh minh họa
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 (sau đây viết gọn là Luật) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 với nhiều nội dung mới.
Sau ba tháng triển khai cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông được kiềm chế; ý thức của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn, có chuyển biến tích cực, góp phần hình thành văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận từ đa số người dân, vẫn tồn tại một số phản ứng trái chiều, bao gồm cả các luồng thông tin xuyên tạc, sai lệch nhằm gây hoài nghi về các quy định mới.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong quý 1/2025, cả nước xảy ra 4.536 vụ tai nạn giao thông, giảm 30,6% so với năm 2024; làm 2.477 người chết, giảm 12,0% và 3.079 người bị thương, giảm 39,5%.
Những nội dung bị lợi dụng để bóp méo có thể kể đến như: quy định về thời gian lái xe liên tục, trừ và phục hồi điểm giấy phép lái xe, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn nghiêm trọng...
Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên định với lộ trình đã đề ra.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành để hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông trong nhân dân, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định hông vì sự chống phá từ các thế lực cơ hội chính trị hay một bộ phận dư luận lệch lạc mà giảm quyết tâm thực hiện Luật. Việc bảo đảm an toàn giao thông phải đặt lợi ích, tính mạng của người dân lên “trước hết, trên hết”.
Thủ tướng giao lực lượng công an nhân dân là nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, ủng hộ thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2025 của Chính phủ.
Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát hành lang pháp lý liên quan công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để tham mưu sửa đổi, bổ sung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là các trường hợp vi phạm pháp luật đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ; quản lý, vận hành sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới để xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Đặc biệt, tổ chức thực hiện việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.