Không để phát sinh thủ tục, 'giấy phép con' khi ban hành văn bản hướng dẫn

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, 'giấy phép con', tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp.

Chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, chất lượng các luật, nghị quyết được nâng lên

Chiều 6/9, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, trong đó có 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của UBTVQH.

Các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành đã bám sát Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Đồng thời, rất linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, đã thử nghiệm ban hành nhiều nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, lĩnh vực. Từ đầu khóa XV đến nay đã ban hành 10 nghị quyết về thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù cho 9 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và một thành phố trực thuộc tỉnh là thành phố Buôn Mê Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra còn có các nghị quyết về thí điểm trong các lĩnh vực như tổ chức phiên tòa trực tuyến, đấu giá biển số xe ô tô, tổ chức lao động cho phạm nhân ngoại trại giam…

Chất lượng các luật, nghị quyết được nâng lên, trên cơ sở tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, làm cơ sở để các Bộ, cơ quan triển khai thực hiện.

Đối với một số luật mới hoặc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch riêng để triển khai thi hành như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam… với tiến độ ban hành rất nhanh.

Vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản chưa được xử lý kịp thời, tương xứng

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH cũng còn không ít tồn tại, hạn chế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm. Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Tính đến ngày 23/8/2023 thì vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật Nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành (chiếm đến khoảng 22%). Một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1 năm rưỡi so với thời điểm luật nghị quyết có hiệu lực.

Dẫn ra một số trường hợp cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra việc người dân và doanh nghiệp vẫn còn ngóng văn bản hướng dẫn. Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.

Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý. Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản đã phát hiện nhưng xử lý còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng.

Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho biết khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý. Để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội liệt kê 9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên.

Trong đó, có yêu cầu phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-de-phat-sinh-thu-tuc-giay-phep-con-khi-ban-hanh-van-ban-huong-dan-135277.html