Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay các bộ ngành, địa phương đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ cho cuối năm và tết, không để thiếu hàng và tăng giá đột biến.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: NGUYÊN PHƯƠNG

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: NGUYÊN PHƯƠNG

Kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi bộ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm trong nước …

Có 3 đoàn công tác kiểm tra tình hình giá cả trước Tết Nguyên đán

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ cuối tuần trước (đến trước Tết Nguyên đán) đơn vị bắt đầu tổ chức 3 đoàn công tác nắm bắt tình hình giá cả thị trường tại 3 miền Bắc, Trung và Nam, để từ đó có báo cáo và xây dựng giải pháp cụ thể về điều hành giá, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo hướng xanh, sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất theo kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán và có kế hoạch sản xuất năm 2025 phù hợp với nhu cầu, diễn biến của thị trường, hạn chế các tác động đến giá cả tại thị trường trong nước…

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước…

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trên địa bàn được phân công quản lý, chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa; điều tiết cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường, ổn định giá cả, xử lý nghiêm theo quy định tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá; kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường theo thẩm quyền…

Nguồn cung hàng hóa phục vụ dồi dào

Vào thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội lượng khách đến siêu thị mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả. Nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng. Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào, phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ mua sắm của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024. Đặc biệt, TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, đến nay đã có 22 doanh nghiệp bán lẻ cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán và cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (quản lý siêu thị GO!, Big C) thông tin, các siêu thị trực thuộc đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh tết từ rất sớm và dành nhiều ưu đãi giảm giá, chính sách "khóa giá", không tăng giá đối với hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh từ 6 tuần trước Tết Nguyên đán 2025.

Tại TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng cung dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đầu mối TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình bình ổn với nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng và đa dạng kịch bản cung ứng hàng. Trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường tết; sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm từ 25 - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc; 5.500 tấn thịt gia cầm; 23 triệu quả trứng gia cầm; 1.400 tấn đường; 1.100 tấn dầu ăn; 800 tấn thực phẩm chế biến; 10.000 tấn rau củ quả...

Về giá cả, tại TP. Hồ Chí Minh, nhóm mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng, đồng thời chương trình không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước tết và một tháng sau tết.

Không chỉ hai thành phố lớn, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã lên kế hoạch, chuẩn bị đủ nguồn hàng. TP. Đà Nẵng có tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt các loại; rau, củ quả…, khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại các chợ gần các khu dân cư trên địa bàn, phân bổ hợp lý tại các quận, huyện, phục vụ nhân dân từ ngày 25 đến 27/1/2025.

Đánh giá về việc chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội cho biết, mặc dù trong năm có những ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khí hậu song nhìn chung nguồn cung tại các địa phương tương đối ổn định, đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 - 20% trong dịp tết cổ truyền dân tộc.

Siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

Để nhân dân cả nước đón tết đầm ấm, tiết kiệm, các bộ, ngành liên quan gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương, Y tế... đang đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn có những vi phạm.

Theo đó, Bộ NN&PTNT vừa ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Bộ này đề nghị các địa phương phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân 2025.

Còn theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai. Thời gian triển khai từ ngày 20/12/2024 đến ngày 25/3/2025./.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-de-thieu-hang-tang-gia-dot-bien-dip-tet-169102-169102.html