Sầu riêng Việt Nam 'tắc đường' sang Trung Quốc
Sầu riêng Việt Nam gặp khó khi Trung Quốc siết kiểm soát hóa chất, nhiều doanh nghiệp bị trả hàng, gây gián đoạn kinh doanh và tổn thất kinh tế.
Thị trường xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đang đối diện với những thách thức mới khi Trung Quốc - thị trường chủ lực - thắt chặt các quy định kiểm định chất lượng. Điều này không chỉ tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng ngành nông sản trong năm 2025.
Khó khăn từ những yêu cầu mới
Đầu tháng 1, cơ quan chức năng Thái Lan đã cảnh báo về việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát các lô hàng trái cây nhập khẩu, đặc biệt là sầu riêng, để kiểm tra chất cơ bản vàng 2 (Basic Yellow 2 - BY2, hay còn được gọi là chất vàng O). Đây là một loại chất nhuộm công nghiệp bị cấm trong thực phẩm do tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo truyền thông nước này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu các trạm hải quan trên toàn quốc từ chối nhập khẩu các lô sầu riêng nếu không xuất trình được kết quả xét nghiệm chất vàng O. Tình trạng này khiến nhiều lô hàng từ Thái Lan bị trả lại hoặc giữ tại cửa khẩu trong thời gian dài.
Không chỉ Thái Lan, hiện quy định này cũng đã tác động trực tiếp tới xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam hiện phải tạm dừng xuất hàng để nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu mới.
Việc gián đoạn này gây ảnh hưởng đáng kể tới kế hoạch kinh doanh của nhiều công ty, đồng thời làm gia tăng rủi ro tài chính khi các lô hàng bị trả lại hoặc chậm thông quan.
“Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang phải dừng các lô hàng sang Trung Quốc để nghiên cứu và chỉ xuất khẩu trở lại khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu mới”, bà Vy chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Anh Thư Đắk Lắk cũng cho biết doanh nghiệp buộc phải quay đầu 10 container sầu riêng với tổng trọng lượng 170 tấn do không thể thông quan tại cửa khẩu. Hiện tại, công ty buộc phải tạm ngừng xuất khẩu để chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Trung Quốc.
Thái Lan phản ứng nhanh, Việt Nam cần tăng tốc
Trong bối cảnh xuất khẩu bị đình trệ, các cơ quan và doanh nghiệp trong ngành đã lên tiếng kiến nghị và đưa ra những giải pháp tạm thời.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết việc kiểm soát chặt chẽ dư lượng hóa chất trên sầu riêng xuất khẩu là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhất là khi sầu riêng đang được bán với giá rất cao tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng Việt Nam cần hành động nhanh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
“Việc xuất khẩu sầu riêng đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu, và quá trình này có thể kéo dài tới một tuần. Nếu không có giải pháp kịp thời, uy tín và vị thế của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Nguyên cảnh báo.
Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu kiểm tra sâu bên trong quả sầu riêng, với lý do chất vàng O có thể thẩm thấu vào thịt quả. Đồng thời, cơ quan này cũng cảnh báo không được sử dụng sầu riêng trả về để chế biến đông lạnh, do khả năng vẫn có dư lượng tương tự như sầu riêng tươi.
Trước yêu cầu mới của Trung Quốc, Thái Lan đã nhanh chóng triển khai các giải pháp kiểm soát chất lượng. Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết các phòng thí nghiệm tại nước này đã hoàn thành quy trình xét nghiệm chất vàng O, đảm bảo các lô hàng xuất khẩu đạt chuẩn an toàn. Nhờ vậy, sầu riêng Thái Lan có thể quay lại thị trường Trung Quốc trong thời gian ngắn, tận dụng kịp nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Ngược lại, Việt Nam vẫn đang phản ứng chậm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vấn đề kiểm nghiệm dư lượng hóa chất. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng Việt Nam cần xây dựng thêm các phòng kiểm nghiệm, đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận an toàn cho các lô hàng xuất khẩu.
“Nếu không nhanh chóng cải thiện, chúng ta sẽ mất cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh giá sầu riêng đang có dấu hiệu giảm sau Tết do nguồn cung lớn và nhu cầu suy giảm”, ông Nguyên cảnh báo.
Tác động tới ngành sầu riêng và mục tiêu xuất khẩu
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt kỷ lục 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Trung Quốc đóng vai trò là thị trường tiêu thụ chính, chiếm hơn 90% lượng sầu riêng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng giải quyết các vấn đề về kiểm định, mục tiêu đạt 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 có nguy cơ không hoàn thành. Việc chậm trễ trong phản ứng cũng có thể làm giảm sức cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam so với các đối thủ như Thái Lan hay Malaysia.
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) hiện đã đưa ra các biện pháp tăng cường giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Những đơn vị vi phạm sẽ bị thu hồi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, điều kiện bắt buộc để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, để bảo vệ uy tín và chất lượng của sầu riêng Việt Nam, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kiểm nghiệm và xử lý các lô hàng không đạt chuẩn.
“Nếu phát hiện dư lượng chất vàng O, những container không xuất khẩu được phải được tiêu hủy thay vì đưa ra thị trường nội địa. Đây là cách duy nhất để duy trì niềm tin của người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành sầu riêng”, ông nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-rieng-viet-nam-tac-duong-sang-trung-quoc-post1526100.html