Không để thiếu thuốc, vật tư ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh

Sáng 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch Covid-19. Dự và chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Chính phủ; Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kịp thời chuyển trạng thái và đã đạt được những kết quả tích cực.

Tính đến ngày 18/6, cả nước ghi nhận hơn 10,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó, có hơn 9,5 triệu người đã khỏi bệnh (chiếm 89%), hơn 43 nghìn ca tử vong. Đến ngày 17/6, Việt Nam đã tiêm được hơn 225 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 (đạt 98,6%).

Trong đó, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tuơng ứng xấp xỉ 100%, 100%, hơn 64% và hơn 11%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1,2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100% và hơn 97%; trẻ từ 5-11 tuổi tiêm các mũi 1,2 đạt tỷ lệ xấp xỉ hơn 43% và 7%.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Tại Việt Nam, số mắc Covid-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh, nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiêm vắc xin phòng Covid-19 tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và các địa phương cho rằng, hiện nay, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 có xu hướng chậm lại, dẫn đến tình trạng tồn đọng vắc xin ở nhiều địa phương.

Nguyên nhân là do một bộ phận người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh; lo ngại về các phản ứng phụ của vắc xin nên công tác vận động người dân tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong mua sắm vật tư và thuốc y tế, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dịch đã được kiểm soát nhưng chưa hết mà vẫn còn xuất hiện các chủng mới; các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nên nguy cơ dịch còn tiềm ẩn. Vì vậy, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh cần đẩy nhanh phục hồi kinh tế hiện nay.

Trong đó, một trong những giải pháp để phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 là tiêm vắc xin, vì vậy, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng đối tượng và số mũi phải tiêm; các địa phương cần tăng cường công tác vận động để người dân chủ động tiêm chủng mũi nhắc lại; cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong thực hiện việc tiêm chủng.

Đặc biệt, không được để thiếu thuốc, vật tư gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo đó, ở cấp Trung ương, Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính họp bàn, tháo gỡ các khó khăn về mua sắm tập trung; các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn về mua sắm tập trung để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị Sở Y tế báo cáo nhanh việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 và việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí đề nghị ngành Y tế, các địa phương rà soát lại toàn bộ các đối tượng trong độ tuổi tiêm vắc xin, đặc biệt là nhóm đối tượng từ 5-11 tuổi đủ điều kiện tiêm, từ đó tham mưu UBND tỉnh có giải pháp triển khai trong thời gian tới đạt hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3, 4 đối với người dân trên 18 tuổi, có chế tài quy định trách nhiệm cụ thể đối với các trường hợp không tiêm.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/78738/khong-de-thieu-thuoc-vat-tu-anh-huong-den-cong-tac-phong-chong-dich-va-kham-chua-benh.html