Không để thiếu vật tư, thiết bị y tế chống dịch
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao Bộ Y tế chỉ đạo mua, trang bị đầy đủ, không để bất kỳ bệnh viện nào thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu
Sáng 18-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã chủ trì cuộc họp của ban chỉ đạo để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Sẵn sàng cho kịch bản "xấu và xấu hơn"
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm gần 20.000 ca mắc mới - tăng hơn 11.000 ca so với tuần trước đó. Tại TP HCM và các địa phương khu vực phía Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp với số người mắc liên tục tăng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bộ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố, yêu cầu toàn bộ các bệnh viện (BV) hạng 2, hạng 3 buộc phải thiết lập hệ thống ôxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các BV tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực trung ương tại các khu vực.
"Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho kịch bản xấu và xấu hơn" - ông Nguyễn Thanh Long nói.
Về việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp còn hạn chế… Thiết bị xét nghiệm tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà còn tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.
Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở ôxy cao áp (HNFC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc máu chậm…
Đối với trang thiết bị bảo hộ phục vụ đội ngũ y, bác sĩ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo mua, trang bị đầy đủ; không để bất kỳ BV nào thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
"Đầu tuần tới, khoảng 7 triệu test nhanh sẽ về Việt Nam qua các nguồn viện trợ. Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, nhân lực tinh túy nhất để đưa về BV Hồi sức tích cực Covid-19 (đặt tại BV Ung Bướu TP HCM cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, quyết giữ cho bằng được mặt trận này" - ông Long nhấn mạnh.
Hiện Bộ Y tế đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao, máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Ngoài ra, Bộ Y tế đang huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể bảo đảm trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại khu vực phía Nam
Phân loại 2 nhóm với 19 tỉnh, thành
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm.
Những nơi tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược "ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị", giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.
Những địa phương như TP HCM, Bình Dương và các khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với "2 mũi giáp công". Một mũi tập trung lực lượng tại những "vùng đỏ", có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống "vùng vàng" dần tiến tới "vùng xanh". Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt "vùng xanh" an toàn; cô lập những "vùng vàng", làm sạch để trở thành "vùng xanh".
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tại các vùng có dịch, ổ dịch, tùy tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, "không dàn hàng ngang".
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng trong chính mỗi địa phương, có xã, huyện nguy cơ rất cao nhưng có vùng nguy cơ rất thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho các địa phương này mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh đồng thời làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và công tác phòng chống dịch. Mỗi địa phương có cách triển khai, áp dụng Chỉ thị 16 phù hợp, bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả nhưng không để ảnh hưởng không đáng có tới an sinh xã hội của người dân.
Tài xế ở 19 tỉnh, thành không cần xét nghiệm âm tính
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, TP phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu tài xế, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện đầy đủ: phương tiện phải được khử khuẩn, tài xế được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc người khác... Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có QR-Code để bảo đảm thông suốt.
Ban Chỉ đạo sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số bộ, ngành ở 19 tỉnh, TP phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 để giải quyết ngay những vướng mắc nảy sinh hằng ngày.