Không để thiếu vốn phát triển các dự án
Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được điều hành theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Đồng thời, ngành ngân hàng tỉnh bám sát các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh cũng như định hướng từ Chính phủ tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, năm 2022 dự báo ngành Ngân hàng gặp nhiều thách thức bởi tình hình lạm phát trong nước và toàn cầu khó dự báo. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, đây là thời điểm để các thành phần kinh tế tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền tập trung vào các dự án trọng điểm, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực cần thiết, đặc biệt là nhanh chóng khôi phục kinh tế, trong đó thúc đẩy cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội...
BIDV Tuyên Quang hoạt động có hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh. Cùng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, BIDV Tuyên Quang đang triển khai các giải pháp nhằm tập trung huy động vốn dành nguồn lực cho vay thúc đẩy kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang, ngay từ đầu năm chi nhánh đã tập trung huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi của các khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân. Hiện, chi nhánh đang tập trung cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, kinh doanh, khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng... Ngoài ra, chi nhánh tập trung nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đạt hơn 21 tỷ đồng. Tới đây, chi nhánh bám sát các dự án khu đô thị theo định hướng của tỉnh để kịp thời giải ngân khi các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn...
Ngân hàng TMCP phát triển thành phố Hồ Chí Minh - Chi nhánh Tuyên Quang (HD Bank Tuyên Quang) là đơn vị mới đóng trên địa bàn tỉnh từ tháng 1-2022. Từ khi hoạt động đến nay, ngân hàng tích cực triển khai các chương trình đầu tư tín dụng trên địa bàn. Ngân hàng xác định lĩnh vực nông nghiệp là mục tiêu quan trọng. Vì vậy, ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng cho lĩnh vực tam nông. Thời gian vay và phương thức trả nợ linh hoạt phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, bám sát các chương trình mục tiêu của tỉnh để triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp. Chi nhánh hiện đang tiếp cận triển khai tài trợ vốn cho Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Sau gần 6 tháng hoạt động, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt 200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 50 tỷ đồng.
Được biết, các ngân hàng VietinBank, MB Bank, LienVietPostBank cùng nhiều ngân hàng khác đang tập trung phát triển mạnh số hóa, không dùng tiền mặt, từ đó có thêm nguồn vốn nhàn rỗi trong tài khoản khách hàng đảm bảo tăng nguồn vốn huy động, đáp ứng thêm nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến đầu tháng 6, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 23.716 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt 24.894 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động lớn hơn dư nợ tín dụng 1.178 tỷ đồng đây là tiền đề quan trọng để các tổ chức tín dụng đầu tư cho vay khôi phục và phát triển sản suất.
Thông qua nhiều hình thức, các ngân hàng đang nỗ lực để mang vốn tiếp cận các chương trình, dự án, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm cung cấp thông tin, phản ánh, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, song tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.