Không để vấn đề vật liệu cản tiến độ dự án giao thông ĐBSCL
Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đang triển khai, trong đó có các tuyến cao tốc nên nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn.
Nguồn cát chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng các đơn vị đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang để giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp nguồn cát cho các dự án giao thông tại khu vực.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đang được gấp rút triển khai, trong đó có các tuyến cao tốc nên nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn. Trên địa bàn tỉnh An Giang có dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, mong muốn của Chính Phủ, Bộ GTVT cũng như địa phương là tuyến này sẽ hoàn thành vào tháng 8/2023.
“Bộ đang tập trung chỉ đạo nhà thầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quyết tâm triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, đối với Dự án tuyến nối Quốc Lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên vừa được bố trí khai thác ở các mỏ Trung Hậu, Hải Toàn. Còn hai mỏ Vạn Hưng Tùng và Tấn Thắng vẫn chưa thể khai thác.
Như vậy, tiến độ cung cấp của các mỏ rất chậm, công suất tổng chỉ được khoảng 4.000 - 6.000m3/ngày so với yêu cầu tiến độ dự án khoảng 10.000m3/ngày và nguồn cát chưa có đủ so với nhu cầu. Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ để tìm kiếm nguồn vật liệu khác (tổng còn thiếu khoảng 0,75 triệu m3 so với nhu cầu dự án) và có ý kiến để các mỏ ưu tiên tăng công suất cho dự án (mỗi mỏ khoảng 3.500m3/ngày).
Do tiến độ dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện nay rất cấp bách, phải đắp xong toàn bộ cát nền đường và gia tải trong tháng 6/2022, Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang có ý kiến với các đơn vị khai thác sớm thực hiện thủ tục cấp cát cho dự án, bảo đảm tổng công suất của 3 mỏ từ 7.000-10.000m3/ngày.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là để có đủ vật liệu bố trí cho dự án Cần Thơ – Cà Mau sắp triển khai cần phải tăng công suất khai thác các mỏ hiện hữu lên tối đa 150% (theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ) và dành 100% phần tăng thêm cho dự án. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, ông Thi đề nghị địa phương cân đối, hỗ trợ 10,1 triệu m3 cát.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, Sở cũng đang cân đối nguồn cát cho dự án tuyến tránh TP Long Xuyên. Lượng cát này sẽ cung cấp trong năm 2022 và một vài tháng đầu năm 2023.
Hiện nay các mỏ trên địa bàn đã tăng thêm công suất gần 50%, tỉnh không còn khả năng cung cấp theo đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận. Mỏ Bắc Núi Cấm và Xuân Tôn thì gặp khó khăn ở khâu GPMB và nếu khai thác sẽ phá hỏng hệ thống đường hiện hữu xung quanh. Hai mỏ này trữ lượng khai thác trên 10 triệu m3 nhưng hệ thống hạ tầng xung quanh yếu. Nếu khai thác phải mở đường vận chuyển riêng và công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian. Tỉnh kiến nghị Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị nghiên cứu một số mỏ cát của Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ... bởi lo ngại sắp tới trên địa bàn triển khai cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng, lượng cát cung cấp sẽ cạn kiệt.
“Chúng ta nên nghiên cứu thêm nguồn cát từ các tỉnh không có cao tốc đi qua”, đại diện Sở TN&MT An Giang cho biết.
Tính toán các phương án bổ sung nguồn vật liệu
Trả lời về những đề xuất của tỉnh An Giang, đại diện đơn vị tư vấn (Tedi South) giải thích: Hiện nay nhóm cát A3 khai thác trên địa bàn tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn cho dự án. Đối với các mỏ cát ở các địa phương khác (Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ) đều nằm ở hạ nguồn nên sẽ lẫn bùn cát và như vậy sẽ không dùng được cho dự án. Trữ lượng cát này khi tư vấn nghiên cứu đều đã tính đến.
Tuy nhiên để sử dụng được loại cát này thì giá thành tuyển rửa rất cao và các đơn vị cung cấp đều cho biết khi có nhu cầu mới báo giá thành nhất định. Do đó khó tính toán tổng mức đầu tư.
Đơn vị tư vấn cũng cho biết thêm, hiện đã có đơn vị khai thác cát biển, trữ lượng rất cao nhưng các khu vực này đều nằm xa dự án. Bên cạnh đó, cát biển khi sử dụng sẽ tác động đáng kể đến chất lượng công trình, tư vấn và các đơn vị của Bộ cũng đang nghiên cứu và có đánh giá cụ thể về nguồn vật liệu này.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, từ trước đến nay, khu vực ĐBSCL vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, số km cao tốc rất ít nên Bộ mong muốn các địa phương xem xét các nguồn khai thác cát để cung cấp cho dự án.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị khi nghiên cứu về các mỏ của các địa phương phải tính toán các ảnh hưởng khi nâng công suất, tác động môi trường, vấn đề sạt lở, đời sống người dân...
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, theo kế hoạch trong năm 2022, Bộ GTVT sẽ khởi công 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó tại khu vực ĐBSCL có dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu vật liệu rất lớn, khoảng 18 triệu m3.
Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã trình và dự kiến ngày 6/6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 dự án cao tốc trục ngang, trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188km. Do đó, nếu các địa phương có trữ lượng mỏ chưa khai thác thì nên làm các thủ tục xin cấp mỏ mới để có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên vật liệu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay địa phương cũng đã xem xét các mỏ để tăng trữ lượng. Tỉnh giao cho Sở TN&MT và Sở GTVT làm các thủ tục để đẩy nhanh việc xin tăng trữ lượng khai thác các mỏ. Đồng thời, đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận và Bộ GTVT cùng phối hợp để địa phương có thể hoàn tất sớm các thủ tục hồ sơ trình Chính phủ. Địa phương sẽ cố gắng để đảm bảo không đứt gãy nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án, đồng thời có phương án dự trữ lượng cát cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.