Không để 'virus trì trệ' lây lan
Phát biểu tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành về các giải pháp khắc phục các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam từ dịch bệnh do Covid-19 gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lúc này cần chống cả chủng mới virus Corona (Covid-19) và cũng phải chống luôn một loại virus nữa là 'virus trì trệ', để quyết tâm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức.
Từ đầu tháng 1 tới nay, do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, một số lĩnh vực kinh tế - xã hội có dấu hiệu suy giảm. Nổi lên hơn cả là hoạt động của lĩnh vực du lịch giảm sút lớn. Du khách quốc tế đến Việt Nam ít, nhất là du khách đến từ Trung Quốc - vốn chiếm tỉ lệ không dưới 30% trong tổng số du khách quốc tế vào nước ta. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa cũng giảm sút không kém. Nhiều tour bị hủy, hoãn. Việc không tổ chức, tạm dừng tổ chức nhiều lễ hội tại các địa phương cũng giảm nguồn thu lớn cho ngành du lịch, cho địa phương cũng như người dân nơi có lễ hội.
Lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa (nhất là nông sản) cũng gặp khó khăn. Thời gian qua, nhiều dòng xe container chở nông sản bị ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc không thông quan được sang Trung Quốc. Nông dân gặp khó khăn khi dưa hấu, thanh long không bán được, hoặc nếu có bán được thì cũng rẻ như cho, chỉ vài ngàn đồng 1 kg.
Với hệ thống cửa hàng ăn uống cũng đìu hiu, vì người dân ngại đến nơi đông người, và cũng không rõ các cửa hàng ăn uống đó có bảo đảm vệ sinh hay không trong khi Covid-19 đang rình rập.
Ngày hôm qua, 14/2, là “Ngày lễ Tình nhân”- tuy không phải là lễ hội của Việt Nam nhưng những năm trước vào ngày đó các cửa hàng hoa tại các thành phố đều “cháy hàng”, giá cao mấy cũng bán được. Năm nay, một ngày lễ tình nhân lặng lẽ, hoa tươi không mấy người mua. Chiều 14/2, một nhân viên cửa hàng hoa trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) cho biết, không nghĩ rằng năm nay hoa lại ế ẩm đến thế. Chị nói, chẳng lẽ giới trẻ thôi lễ tình nhân rồi hay sao?
Kể câu chuyện trên để thấy tác động của dịch bệnh Covid-19 thật ghê gớm. Đúng là chủng mới virus corona đã làm đảo lộn cuộc sống. Nhưng, trong tình thế ấy chẳng lẽ lại bó tay?
Trở lại với phát biểu của Thủ tướng, ông từng nói rằng “chống dịch như chống giặc”, thì nay cùng với đó phải chống luôn “virus trì trệ”. Trì trệ ở đây có lẽ là có nhiều góc độ, nhưng có thể quy về hai nguyên nhân: khách quan và chủ quan.
Khách quan: Đúng là Covid-19 rất nặng nề, không một phút được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tính mạng con người là trên hết. Làm gì cũng phải nhớ tới điều đó, nếu không, hậu quả sẽ khó lường.
Chủ quan: Có thể thấy đã xuất hiện tình trạng địa phương, cơ quan quản lý nhà nước… dựa vào việc đề cao “tinh thần cảnh giác chống dịch bệnh” đã khoanh tay, thúc thủ. Không làm còn hơn nếu ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì khó tránh được trách nhiệm. Về bản chất, đó cũng là ngụy biện, ngụy biện để lảng tránh trách nhiệm. Ai cũng khoanh tay chờ dịch đi qua thì xã hội sẽ ra sao, đất nước sẽ ra sao, cuộc sống của từng người dân sẽ ra sao. “Virus trì trệ” có trong mỗi con người cũng như virus corona chủng mới rình rập tấn công mỗi con người. Do đó phải phòng chống và tiêu diệt cả hai loại virus ấy.
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Bộ Y tế Việt Nam, rằng dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Hiện chưa có vaccine điều trị chủng mới virus corona chủng mới. Thế giới đang nỗ lực chạy đua điều chế vaccine dập dịch. Nhưng, thời gian không thể một sớm một chiều. Kể cả phác đồ điều trị Covid-19 thì ngành chuyên môn cũng chưa thể thống nhất.
Nhận diện rõ tình hình như vậy để quyết tâm hơn trong việc tự ta phải mạnh mẽ lên, tự chống lại “virus trì trệ” đang lẩn khuất và ngóc dậy trong chính chúng ta. Loại virus này cũng rất nguy hiểm, nhất là khi nó lại ẩn giấu dưới vỏ bọc cảnh giác với dịch bệnh để dừng lại tất cả các hoạt động.
Mới đây, lãnh đạo một số địa phương đã phê bình nghiêm khắc cán bộ dưới quyền thờ ơ việc chống Covid-19. Thì nay, cũng cần xử lý cả những người “bị nhiễm virus trì trệ” ở mức quá nặng nề. Có nghĩa là phải chống cả hai loại virus: Một là chủng mới virus corona và hai là “virus trì trệ”- không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Những ai đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân- chính là người đã bị nhiễm nặng “virus trì trệ”. Rất cần phải có thuốc đắng chữa trị dứt điểm, không để lây lan.