Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, khan khẩu trang
Chiều ngày 3-2, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành như Cục Quản lý Thị trường, Cục Cảnh sát môi trường y tế... đã đến làm việc tại một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội về trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch nCoV.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế ở thời điểm hiện tại để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế để sẵn sàng và bảo đảm cung cấp đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất vật tư y tế.
Phát biếu tại buổi làm việc với các đơn vị, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh nCoV đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch có thể sẽ gia tăng, do đó Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan tổ chức đoàn làm việc để nắm bắt tình hình và đôn đốc một số đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh công tác sản xuất cung ứng khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ và vật tư y tế phòng dịch.
Báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác, đại diện Công ty Cổ phần Tanaphar cho biết, từ ngày mùng sáu Tết đến nay, các công nhân của công ty đang làm việc hết công suất 24/24 giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất đáp ứng nhu cầu. Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc công ty Cổ phần Đại Uy cho biết, Công ty hiện vẫn bán khẩu trang ba lớp với giá 30 nghìn đồng/hộp (50 chiếc) như trước đây, không hề tăng giá.
Cả hai đơn vị này đều cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất. Do đó, cả hai đơn vị mong muốn được hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu để tăng cường sản xuất hết công suất.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường đánh giá cao những nỗ lực của hai đơn vị cố gắng sản xuất để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng trong lúc nhu cầu phòng chống dịch bệnh gia tăng. Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong việc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang liên hệ tìm nguồn nguyên liệu tại các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... để làm sao có nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bản thân các đơn vị cũng cần cố gắng để chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, đồng thời thực hiện chặt chẽ việc cung ứng theo những đơn hàng đã có hợp đồng trước đó, tránh tình trạng đơn vị khác mua nhiều đầu cơ, găm hàng.
Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, hiện nay, báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy, quy mô sản xuất mỗi ngày trung bình khoảng ba triệu chiếc khẩu trang. Do đó, với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn nguyên liệu ổn định thì sẽ không có tình trạng đầu cơ và không xảy ra khan khẩu trang.
* Xử phạt nhà thuốc 20 triệu đồng do găm khẩu trang y tế
Tối 3-2, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt nhà thuốc Mạnh Đức, tại số 135, đường Lý Thái Tổ, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột 20 triệu đồng về hành vi găm hàng được quy định tại khoản 2, điều 47, Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, tổ công tác của Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra nhà thuốc Mạnh Đức. Tại thời điểm kiểm tra, nhà thuốc không bày bán khẩu trang y tế và nhân viên tại đây cho biết nhà thuốc đã hết mặt hàng này. Có nhiều khách hàng đến tìm mua khẩu trang đều được nhân viên thông báo hết hàng. Tuy nhiên, tổ công tác tiến hành kiểm tra trên gác lửng của nhà thuốc thì phát hiện có 39 hộp khẩu trang được cất bên trong một thùng giấy, với 1.950 khẩu trang y tế. Lúc này, nhân viên cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số khẩu trang trên.
Ngoài ra, nhà thuốc này còn vi phạm khi người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không có ủy quyền hoặc cử người thay thế; không thực hiện việc mở sổ theo dõi hoạt động mua, bán thuốc….
“Hành vi nhà thuốc găm hàng chưa chịu bán hay nâng giá trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để trục lợi là không thể chấp nhận. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những hiệu thuốc có những hành vi như vậy”, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.
Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 31-1 đến nay, qua kiểm tra hoạt động mua bán khẩu trang y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã ra quyết định xử phạt năm trường hợp khác với tổng cộng 14 triệu đồng về hành vi không thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc; không niêm yết giá hàng hóa là khẩu trang y tế tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định.