Không đề xuất được phương án giải quyết nợ lương tại trường Đại học Quảng Bình
Trường Đại học Quảng Bình nợ lương và bảo hiểm xã hội của 138 viên chức, người lao động trong 8 tháng qua. UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng và Lãnh đạo nhà trường tìm giải pháp giải quyết tình trạng nợ lương trước mắt và tháo gỡ khó khăn lâu dài tại đơn vị này.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Bình cho biết, hiện nhà trường có 99 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 2 người hưởng lương diện thu hút và 138 viên chức, người lao động hưởng lương do Nhà trường tự chủ chi trả. Tại cuộc họp bàn phương án giải quyết nợ lương, Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Bình không đề xuất phương hướng, giải pháp giải quyết tình trạng này. Được biết, vào lúc cao điểm, trường Đại học Quảng Bình có gần 10.000 sinh viên, sau đó số lượng sinh viên giảm dần. UBND tỉnh Quảng Bình đã gợi ý nhà trường tinh gọn bộ máy phù hợp với số lượng sinh viên theo từng thời điểm nhưng trường này không thực hiện.
Đến nay, trường chỉ có 1.000 sinh viên, trong đó có 400 sinh viên trong diện nộp học phí, do đó nguồn quỹ lương không có để chi trả. Hiện nay, trường đang nợ lương người lao động theo hợp đồng gần 8 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tháng trường này cần thu vào 1,1 tỷ đồng mới có thể chi trả đủ các khoản nhưng do sinh viên quá ít nên không có nguồn thu vào.
Theo ông Nguyễn Đức Vượng, trường đã làm công văn đề nghị Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cấp bù ngân sách 1,5 tỷ đồng để chi trả bù lương tháng 12 năm 2023 cho 99 người hưởng lương ngân sách.
“Với việc nợ lương 138 người, nhà trường đã theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình là tạm hoãn hợp đồng và khoanh nợ, đồng ý cho chuyển công tác và xin nghỉ nếu ai có nguyện vọng. Đồng thời, sắp xếp lại vị trí việc làm, tinh giản biên chế với tối đa còn khoảng 150 viên chức, người lao động”, ông Nguyễn Đức Vượng cho hay.
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cho biết, theo quy định không cho phép nhà trường vay, mượn, tạm ứng tiền ngân sách để chi trả khoản nợ lương của 138 lao động. Giám đốc Sở Tài chính gợi ý nhà trường rà soát lại quá trình tinh giản bộ máy, trong năm 2024, trường giảm được bao nhiêu biên chế để tiết kiệm quỹ lương, dự toán lương 2024 đã được giao về cho trường, nhà trường có thể lấy số tiền chênh lệch để trả lương cho số nợ lương của năm trước.
Ông Phạm Quang Long đề nghị: “Đối với 138 biên chế do nhà trường hợp đồng tự trang trải thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ được. Khi các đơn vị sự nghiệp có chênh lệch thu nhỏ hơn chi thì đơn vị tự tính toán để bù đắp khoản thiếu hụt bằng các khoản kinh phí hợp pháp của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bù. Thậm chí đề nghị tỉnh giao Sở Nội vụ kiểm tra lại các loại hình hợp đồng liên quan con người, từ đó tham mưu tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn trường tinh giản đúng quy định”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, trường Đại học Quảng Bình hiện đang nợ 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Nhà trường không có nguồn thu nhưng không giải quyết tinh giản, thực hiện luật bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến nợ lương và nợ cả bảo hiểm xã hội của người lao động.
“Trong tháng 1 này nếu nhà trường có các quyết định thôi việc và cố gắng đóng bảo hiểm xã hội thêm 1 tháng cho toàn bộ người lao động khoảng 500 triệu đồng thì có thể giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động tạm dừng hợp đồng từ tháng 1, theo quy định của các văn bản là như vậy”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề, trường Đại học Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp tự chủ nên chịu trách nhiệm về nguồn thu để trang trải các hoạt động, trong đó có việc chi trả tiền lương cho người lao động. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm viên chức, người lao động, cần sự vào cuộc, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Lẽ ra khi số lượng sinh viên giảm, nhà trường không có nguồn chi trả thì cần phải giảm số lượng hợp đồng, chuyển sang chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo luật thì sự việc không kéo dài đến nay.
Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị trường Đại học Quảng Bình tạm khoanh số nợ ít nhất là 7,5 tỷ đồng tiền lương của giảng viên, nhân viên trong 8 tháng qua. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan dự toán cho trường ứng trước khoảng 2,5 tỷ đồng kinh phí bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2024 để tạm chi trả cho người lao động trước dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Bên cạnh đó, nhà trường tập trung rà soát lại cơ sở vật chất, có thể cho thuê phục vụ các hoạt động thể - mỹ của cộng đồng, vừa hạn chế sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, vừa tạo nguồn thu cho nhà trường. Ông Hồ An Phong lưu ý Ban Lãnh đạo Trường cần khẩn trương rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước thực hiện bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính theo quy định.
“Phải cân đối tài chính thu chi trong năm và bằng mọi cách phải tạm hoãn hợp đồng, không để cho “chiếc xe chạy xuống vực”, kéo dài thêm 1 tháng thì nợ thêm tiền tỷ. Tiếp theo trên cơ sở công việc để dùng ngân sách trường đang có năm 2024 để ứng 1 khoản nhất định để trang trải. Riêng nhà trường cần xem lại hoàn toàn trong quản trị, trong nhiệm vụ kế hoạch năm, trong cân đối tài chính thu chi, phải thay đổi lề lối, làm mới mình và tái cơ cấu hợp thời”, ông Hồ An Phong nhấn mạnh.