Không đến trường vẫn có thể học tốt?

Tôi nhận ra rằng, đi học ở trường không phải là phương án duy nhất giúp con có thể sống tốt ngoài xã hội. Tôi có định hướng riêng và muốn con phát triển theo chiều dọc – tức học những gì thấy cần và con cảm thấy hứng thú.

Theo đuổi con đường homeschooling chưa bao giờ dễ dàng

Có nhiều lý do khiến tôi đưa ra quyết định sẽ để con tự học tại nhà (homeschooling).

Từ 2 tuổi, con thường xuyên phải theo bố mẹ di chuyển giữa hai địa điểm Phú Yên – Hà Nội. Môi trường sống thay đổi liên tục khiến con không thể theo học một nơi cố định. Sau đó, dịch bệnh kéo dài 1 năm cũng là thời điểm con phải học online tại nhà. Quãng thời gian này, con luôn hào hứng khi được mẹ cho học những thứ mình thích.

Một lý do khác, chính bản thân tôi cũng từng là người phải học rất nhiều, nhưng ngoài tiếng Anh, những kiến thức ấy khi đi làm lại không mấy tác dụng.

Tôi nhận ra rằng, đi học ở trường không phải là phương án duy nhất giúp con có thể sống tốt ngoài xã hội. Tôi có định hướng riêng và muốn con phát triển theo chiều dọc – tức học những gì thấy cần và con cảm thấy hứng thú.

"Tôi cho rằng, đi học ở trường không phải là phương án duy nhất giúp con có thể sống tốt ngoài xã hội". (Ảnh minh họa)

"Tôi cho rằng, đi học ở trường không phải là phương án duy nhất giúp con có thể sống tốt ngoài xã hội". (Ảnh minh họa)

Quyết định cho con tự học tại nhà đồng nghĩa với việc đồng hành của mẹ phải tăng lên.

Trong tuần, thời gian tôi dạy con chủ yếu là vào buổi tối. Vai trò của mẹ sẽ là giao nhiệm vụ, nhắc nhở con theo nội dung chương trình sẵn có và cuối buổi kiểm tra bài tập con làm. Ban đầu con cũng hay mất tập trung khi học, giờ giấc cũng không mấy quy củ,… nhưng mẹ vẫn cần phải kiên trì và có kỷ luật thép.

Cuối tuần là thời gian con được về thăm ông bà hoặc vui chơi cùng con cái của những người bạn bố mẹ. Đôi khi, con được lên núi trải nghiệm cuộc sống thôn quê, khi lại được tham gia cắm trại, nấu ăn cùng bạn bè.

Đều đặn mỗi tháng 2 lần, tôi sẽ tổ chức các nhóm nhỏ để con được học thêm một vài kỹ năng sống mới cùng các bạn có chung mối quan tâm.

Tất nhiên, theo đuổi con đường homeschooling chưa bao giờ dễ dàng.

Giai đoạn đầu, tôi cũng bị áp lực từ gia đình vì mọi người không hiểu kế hoạch và quan điểm của bản thân, đặc biệt là ông bà hai bên. Đôi khi, chính tôi cũng từng hoang mang liệu mình có chọn sai đường?

Trong thời gian 2 năm dạy con tại nhà (đến nay con 8 tuổi), điều khiến tôi hài lòng nhất là mình đã hiểu con hơn, kịp thời sửa chữa những thói quen không tốt, ví dụ như nghiện điện thoại, ipad,…

Giao tiếp với con nhiều hơn vào buổi sáng và tối cũng giúp hai mẹ con hình thành thói quen nhìn lại bản thân. Con cũng dần biết phân biệt đúng - sai, tốt - xấu.

Bây giờ, tôi đã có thể tự tin giao điện thoại và ipad cho con học mà không phải lo con xao nhãng hay xem những thứ độc hại. Khi giao tiếp với các bạn, con cũng điềm đạm hơn và rất lịch sự. Con thường xuyên chia sẻ với mẹ cảm nghĩ về những điều xảy ra trong ngày.

Không nên biến homeschooling thành trào lưu

Tất nhiên, 2 năm chưa đủ dài và hành trình đồng hành cùng con của tôi vẫn sẽ còn rất nhiều gian nan. Tôi cũng nghĩ rằng không nên biến homeschooling trở thành trào lưu. Mỗi nhà mỗi cảnh, tính cách của trẻ cũng không giống nhau, do đó cần những định hướng giáo dục khác nhau.

Hơn nữa, homeschooling là phương pháp tốn nhiều công sức, nguồn lực và cần sự tham gia của nhiều người.

Để homeschooling đối với gia đình tầm trung, cần phải có bố hoặc mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con. Tôi đã phải quyết định nghỉ công việc mình yêu thích, chọn một công việc có tính linh hoạt hơn và được làm tại nhà để có thể đồng hành cùng con.

Tôi cũng không khuyến khích việc bố/mẹ nghỉ việc hoàn toàn, bởi việc ít tiếp xúc với xã hội liên tục cũng có thể làm bố/mẹ có cái nhìn hạn chế hơn. Khi bố mẹ liên tục học hỏi, không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức mới có thể phát triển con theo hướng đúng đắn.

Ngoài ra, việc quá tập trung vào con cũng dễ khiến bố/mẹ nổi cáu và trở nên mất kiểm soát.

Song trên hết, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất của quá trình homeschooling vẫn là phải rèn cho con khả năng tự giải quyết vấn đề. Chỉ cần giúp con xác định được điều con muốn làm và cần làm, con sẽ tự mò mẫm tìm ra cách để đạt được mục tiêu của mình.

Có thể nhiều người luôn mong cầu ở con những điều lớn lao, nhưng điều tôi mong nhất là con không phải mẫu hình "cái gì cũng biết", mà cần giữ được sự lương thiện, luôn sống tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Hiểu được vai trò hay sứ mệnh của mình, con sẽ biết đâu là việc cần thiết và nên làm.

Homeschooling hay homeschool là một phong trào giáo dục được coi là tiến bộ trên thế giới. Theo trào lưu này, cha mẹ thay giáo viên tự dạy dỗ con cái tại nhà thay vì gửi con đến trường học truyền thống.

Các gia đình chọn học tại nhà cho con vì nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là do hoàn cảnh sống phải di chuyển liên tục, do tôn giáo, do đặc thù riêng của đứa trẻ, điều kiện gia đình không phù hợp với mô hình trường học truyền thống và cũng bao gồm cả việc không hài lòng với các mô hình, mục tiêu và phương pháp giáo dục hiện tại trong nhà trường.

Trào lưu này đã gây khá nhiều tranh cãi về mục tiêu, phương pháp, tính chất pháp lý trong việc công nhận kết quả học tập cũng như những mặt trái của nó.

Có lẽ, cùng với sự phát triển của công nghệ, tác động của cuộc cách mạng 4.0 về phong trào giáo dục tại nhà và những gì liên quan khi cha mẹ giáo dục con cái của họ tại nhà lại một lần nữa cần được đặt ra và xem xét một cách đầy đủ, khách quan và nghiêm túc.

Ban Giáo dục báo điện tử VietNamNet mở diễn đàn về trào lưu Học tại nhà: "Có nên cho trẻ rời bỏ trường học để giáo dục tại nhà?"

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tam-su-cua-ba-me-quyet-dinh-nghi-viec-de-day-con-tai-nha-2101258.html