Không đeo khẩu trang có được đi xe buýt?
Đến nay Bộ GTVT chưa có văn bản quy phạm pháp luật mới yêu cầu hay buộc hành khách đi xe buýt, xe khách phải thực hiện việc đeo khẩu trang.
Mới đây, VOV Giao thông nhận được thông tin về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark (gọi tắt là ECOPM) có gửi thông báo tới cư dân về việc tham gia và sử dụng xe buýt.
Theo thông báo, khi sử dụng xe buýt của ECOPM, cư dân phải tự trang bị và đeo khẩu trang cho đến khi hết dịch COVID-19. Trường hợp không đeo khẩu, công ty sẽ từ chối phục vụ, với thời gian áp dụng từ ngày 17/2/2020.
Ngay khi có thông báo, một số ý kiến băn khoăn rằng liệu quy định của công ty ECOPM có đúng với quy định pháp luật hiện hành? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm Danh.
PV: Việc công ty ECOPM ra thông báo bắt buộc hành khách phải tự trang bị và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ xe buýt của công ty, đồng thời từ chối phục vụ hành khách không chấp hành quy định này có đúng với quy định của pháp luật hiện hành hay không?
Luật sư Phạm Thành Tài: Theo quan điểm của tôi thì việc công ty ECOPM ra thông báo bắt buộc hành khách phải tự trang bị và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ xe buýt của công ty, đồng thời từ chối phục vụ hành khách không chấp hành quy định này là không đúng quy định pháp luật hiện hành.
Bởi vì căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người kinh doanh vận tải hành khách nói chung, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt nói riêng chỉ có những quyền sau: thứ nhất là thu cước, phí vận tải; thứ hai là từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 36 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì hành khách đi xe buýt chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan ngoài các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau: Mua vé và trả cước, phí vận tải hành lý mang theo quá mức quy định; Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; chấp hành quy định về vận chuyển; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.
Bên cạnh đó, theo tôi được biết, đến nay Bộ GTVT chưa có văn bản quy phạm pháp luật mới yêu cầu hay buộc hành khách đi xe buýt nói riêng và hành khách tham gia các dịch vụ vận tải hành khách nói chung phải thực hiện việc đeo khẩu trang khi tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách.
PV: Qua sự việc trên, luật sư có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19?
Luật sư Phạm Thành Tài: Theo quan điểm của tôi thì thông báo phòng dịch COVID-19 như trên của Công ty ECOPM không những không đúng quy định pháp luật, mà còn ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của hành khách tham gia sử dụng xe buýt, gây hoang mang cho một bộ phận người dân sử dụng dịch vụ xe buýt nhất định.
Theo tôi thì các doanh nghiệp vận tải hành khách có thể thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19 bằng cách đưa ra các khuyến cáo, khuyến nghị để hành khách có ý thức tự thực hiện việc đeo khẩu trang để tự phòng, chống dịch cho bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cũng cần có những biện pháp chủ động trong công tác vệ sinh, khử trùng trên xe để đảm bảo sức khỏe của hành khách cũng như lái xe.
PV: Xin cảm ơn Luật sư./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-deo-khau-trang-co-duoc-di-xe-buyt-1012526.vov