Không 'đóng khung' khi tìm về văn hóa truyền thống

Giới trẻ Việt Nam ngày càng tích cực tìm về chất liệu dân gian, tạo nên một làn sóng sáng tạo đầy màu sắc; trong quá trình ấy, việc hiểu những yếu tố cốt lõi của văn hóa dân tộc là cần thiết, từ đó sáng tạo để thể hiện được tinh thần truyền thống theo góc nhìn đương đại.

Khẳng định tiếng nói Việt

Những năm gần đây, chất liệu văn hóa dân gian nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn. Từ âm nhạc, thiết kế hội họa đến phim ảnh, thời trang... các sáng tạo từ văn hóa len lỏi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống hồi sinh trong đời sống đương đại.

Tại tọa đàm “Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo” sáng 10.11, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người sáng lập Thủy Trung Nguyệt và đồng sáng lập Đại Nam Chân Ảnh - hai nhóm nghiên cứu cổ phục Việt thời Nguyễn chia sẻ: “Tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản qua truyện tranh, tôi phát hiện ra rằng họ tìm mọi cách xây dựng nhận diện văn hóa qua trang phục truyền thống như Kimono, hay những hình ảnh nổi tiếng như núi Phú Sĩ… Từ ngưỡng mộ họ, tôi nhận thấy mình phải làm gì đó để góp phần thể hiện bản sắc Việt. Tôi đã bén duyên cổ phục và đi sâu nghiên cứu lĩnh vực này, dù chỉ là tay ngang”.

 Người trẻ Việt Nam quay trở lại với cổ phục. Ảnh: Bách hoa Bộ Hành

Người trẻ Việt Nam quay trở lại với cổ phục. Ảnh: Bách hoa Bộ Hành

Cho rằng sự quan tâm đến văn hóa dân gian trong sáng tạo tại Việt Nam ngày càng tăng và có những bước phát triển tích cực, chị Quỳnh Nga nhận định: khi Việt Nam mở cửa, hội nhập mạnh mẽ, tạo cơ hội cho việc tham khảo, hưởng ứng văn hóa nước ngoài. Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh có gì mới, giới trẻ Việt Nam “bắt trend” ngay, rất sôi động. Nhưng sau tất cả, văn hóa truyền thống vẫn là xu hướng được mọi người quan tâm không ngừng nghỉ. Giới trẻ Việt Nam cho dù yêu thích văn hóa nước ngoài, nhưng lòng tự tôn, tự hào dân tộc vẫn là điều không thay thế, học hỏi văn hóa nước ngoài là để làm dày thêm văn hóa của mình.

Trong khi đó, với anh Trần Đức Minh, nhà sáng lập Công ty thiết kế Direction, “học thiết kế đồ họa, tôi nhận ra mình học toàn kiến thức, phong cách từ phương Tây. Đưa phong cách Việt Nam vào thiết kế đồ họa là trăn trở của chúng tôi. Chỉ có quay lại với vốn văn hóa thì mới có thể tự tin bước ra thế giới, khẳng định được tiếng nói của mình".

Quá trình làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, xây dựng hình ảnh thương hiệu, anh Trần Đức Minh cho biết, nhiều sản phẩm Made in Vietnam đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, khiến doanh nghiệp quan tâm thể hiện tinh thần sản phẩm, có hình ảnh quảng bá gắn với văn hóa Việt. Đó là mảnh đất màu mỡ tạo cơ hội cho nhà thiết kế khai thác và đưa vào các mẫu mang bản sắc Việt qua góc nhìn của người trẻ.

Ngoài những biểu tượng mà người nước ngoài hay nhắc đến về Việt Nam như mái đình, hoa sen, bông lúa, nón lá… các nhà thiết kế trẻ đã khai thác những câu chuyện mới về văn hóa Việt Nam như hình ảnh phụ nữ Việt, phố cổ Hà Nội, phong cách tranh dân gian…

Không áp đặt quan điểm thẩm mỹ truyền thống

Nghiên cứu về cổ phục, khó khăn là tài liệu tiếp cận được đa số thời Nguyễn; thời Lê Trung Hưng tư liệu vụn vặt và rất ít tư liệu thời Lý - Trần; đây cũng là thách thức mà nhiều người theo đuổi sáng tạo với văn hóa dân tộc gặp phải trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, khi các nghiên cứu đã đạt những thành quả nhất định, thì giữa việc bảo tồn giá trị truyền thống, định hướng công chúng và làm mới để phù hợp với thị hiếu hiện đại là băn khoăn lớn nhất mà các nhà sáng tạo phải đối mặt và xử lý khi sử dụng chất liệu văn hóa.

Theo chị Quỳnh Nga, “trong trang phục Việt cổ thường chứa nhiều thông điệp về văn hóa đặc sắc qua hoa văn, kỹ thuật may thêu… Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thường có tham vọng và khao khát đưa nó trở lại với đời sống một cách nguyên bản nhất. Tuy nhiên, đây là hành trình dài và không ít khó khăn vì khoảng cách lớn giữa truyền thống với văn hóa đại chúng hiện nay”.

Muốn giá trị của truyền thống thâm nhập sâu rộng hơn vào đời sống hiện nay, thay vì chỉ tồn tại trong các bộ ảnh và sự kiện trọng đại, người làm cổ phục không được bê nguyên quan điểm thẩm mỹ truyền thống và áp đặt lên thẩm mỹ hiện đại. Ngược lại, họ phải sáng tạo để đưa các giá trị xưa vào những trang phục mang tính cách tân.

Nhiều năm làm trong lĩnh vực thiết kế và khai thác văn hóa dân gian, kiến trúc sư Lại Thành Tín cho rằng, những người làm sáng tạo cần nghiên cứu văn hóa dân tộc, hiểu căn gốc của nó, nhưng khi ứng dụng phải tỉnh táo để phù hợp với xu thế tiếp nhận của đại chúng, đừng khư khư giữ cái tôi. Chẳng hạn, hầu hết mọi người đang mặc trang phục ảnh hưởng phong cách châu Âu, nếu đưa sản phẩm cổ phục nguyên bản về mặt tạo hình vào đời sống hiện đại thì sẽ thất bại, chỉ thu hút được số ít quan tâm. Vì thế, trong một số trường hợp, không nên “đóng khung”, đôi khi cần đơn giản hóa tạo hình truyền thống để có thể dần chuyển giá trị từ quá khứ, tạo gạch nối tốt với hiện đại.

Hiểu rõ nhu cầu và sở thích của công chúng đương đại, kết hợp các yếu tố dân gian với ngôn ngữ hiện đại sẽ giúp sản phẩm trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo để vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, có sức cạnh tranh.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-dong-khung-khi-tim-ve-van-hoa-truyen-thong-post395981.html