Không đồng nhất cách tính thuế xuất khẩu, doanh nghiệp bị truy thu hàng trăm tỷ đồng
Do không đồng nhất cách tính thuế xuất khẩu của Kiểm toán Nhà nước khu vực VII đưa ra, với cách tính được hướng dẫn kê khai trước đó, nhiều doanh nghiệp bị truy thu hàng trăm tỷ đồng.
11 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt bị truy thu gần 624 tỷ đồng
Vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã bác đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm liên quan tới Bản án hành chính phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong việc áp dụng thuế, truy thu thuế” giữa người khởi kiện là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan và người bị kiện là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai; Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai.
Theo Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty, hủy các quyết định hành chính buộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai hoàn trả lại toàn bộ số tiền ấn định thuế và số tiền chậm nộp cho công ty là không đúng.
Bên cạnh đó, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Kiểm toán Nhà nước khu vực VII; sửa Bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công ty là có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2016, Công ty Hoàng Lan ký các hợp đồng mua bán quặng sắt với các doanh nghiệp Trung Quốc và thực hiện việc xuất khẩu quặng sắt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, với mức thuế suất là 40%.
Quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu quặng sắt, công ty đã thực hiện việc kê khai và đóng thuế xuất khẩu theo đúng quy định; cũng như thực hiện đúng các văn bản của Bộ Tài chính và hướng dẫn kê khai; thủ tục của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai.
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực VII thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của tỉnh Lào Cai, sau đó có kiến nghị Hải quan tỉnh Lào Cai truy thu nộp ngân sách Nhà nước gần 624 tỷ đồng đối với 11 doanh nghiệp, trong đó Công ty Hoàng Lan phải nộp bổ sung ngân sách là gần 16,5 tỷ đồng.
Ngày 24/9/2019, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai ban hành quyết định ấn định thuế đối với mặt hàng quặng sắt xuất khẩu thuộc các tờ khai của Công ty Hoàng Lan số tiền trên.
Cho rằng, việc ấn định thuế bổ sung của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai và việc truy thu thuế theo cách tính của Kiểm toán Nhà nước khu vực VII là không đúng quy định, nên Công ty Hoàng Lan đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai, đề nghị tuyên hủy các quyết định liên quan.
Thêm vào đó, Công ty Hoàng Lan cũng khởi kiện bổ sung, do sau khi bị khởi kiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Công ty Hoàng Lan, với lý do khai sai khác, làm thiếu số tiền thuế phải nộp, với hình thức xử phạt chính là phạt tiền 20% số tiền thuế.
Không đồng nhất trong cách tính thuế
Tại phiên tòa sơ thẩm, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực VII khẳng định, theo quy định, nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu thuộc doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do doanh nghiệp nhập khẩu nộp ngân sách và dòng tiền này phải từ doanh nghiệp xuất khẩu nộp vào ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp nhập khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu.
Thêm vào đó, trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế, phí vận tải quốc tế. Giá bán trên hợp đồng làm căn cứ xác định trị giá hải quan phải là trị giá của hàng hóa theo nguyên tắc trao đổi ngang giá, là tổng số tiền bên mua trả cho bên bán. Mặt khác, trị giá hải quan không chỉ căn cứ vào giá bán ghi trên hợp đồng, mà còn căn cứ vào hóa đơn thương mại, các chứng từ liên quan.
Theo cơ quan này, đối với việc xuất khẩu quặng sắt, bản chất của phần chi tiết trị giá ghi trên hợp đồng “thuế xuất khẩu” mà doanh nghiệp nhập khẩu (doanh nghiệp Trung Quốc) thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu là tiền bán hàng. Đây chính là một phần trong trị giá hàng hóa xuất khẩu, phải được tính trong trị giá hải quan.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực VII cho rằng, đây là phần thuế xuất khẩu còn thiếu, được tính bổ sung trên phần trị giá hải quan kê khai thiếu, nên đã kiến nghị truy thu.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan cho rằng, nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan đã được nêu rõ tại Điều 86 Luật Hải quan 2014; Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BTC.
Theo đó, “Trị giá hải quan hàng xuất khẩu giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế. Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng, hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan của lô hàng phù hợp với hàng hóa thực xuất khẩu”.
Theo bà Nga, hiện nay, chưa có căn cứ quy định về việc số tiền bên mua đã thanh toán hay tổng giá trị thanh toán để tính thuế xuất khẩu, nên cách tính như trên là không có căn cứ theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước khu vực VII cho rằng, phần thuế xuất khẩu phải được tính vào giá trị hàng hóa và đây là tiền mà bên bán (Công ty Hoàng Lan) phải chịu. Chính vì vậy, hiện Công ty Hoàng Lan đang phải nộp hai lần thuế xuất khẩu là không có căn cứ, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
“Thuế xuất khẩu là thuế gián thu, không nằm trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, khi xuất khẩu hàng hóa, kế toán phải tách riêng số thuế xuất khẩu phải nộp ra khỏi doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ”, bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nga cho biết thêm, Hợp đồng được ký kết giữa Công ty Hoàng Lan với doanh nghiệp Trung Quốc là hợp đồng dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật và cả 2 bên cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
Có thể thấy, số tiền mà Công ty Hoàng Lan dùng để nộp thuế xuất khẩu qua các lần xuất khẩu hàng hóa chính là số tiền mà đối tác bên Trung Quốc phải trả, bản chất Công ty Hoàng Lan chỉ là bên ứng trước tiền đi nộp thay cho bên nhập khẩu, sau đó sẽ được hoàn trả khi đối tác nhận được hàng. Đây là đặc trưng của thuế gián thu, và thuế xuất khẩu này không được hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp.