Không đồng ý bản án của tòa
Không đồng ý bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Tân, bà Nguyễn Thị Bé Hiền (sinh năm 1989, ngụ tổ 6, ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) khiếu nại, cho rằng cơ quan xét xử không xem xét, giải quyết ý kiến của người trong cuộc và một số tình tiết quan trọng liên quan.
Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Hiền cho biết, ông Nguyễn Văn Lẹ (sinh năm 1962, cha bà) là anh cả của 9 người em. Tháng 5-2020, ông Lẹ qua đời. Một số người em của ông Lẹ, trong đó có ông Nguyễn Văn Tròn (sinh năm 1987, em út) và vợ Nguyễn Thị Định (sinh năm 1986) cho rằng ông Lẹ thiếu nợ họ, yêu cầu chị em bà Hiền phải trả nợ cùng lãi suất.
“Chưa biết sự việc thế nào, còn đang lấn cấn, chị em tôi bị chú út và các cô chửi bới, hăm đánh, nhiều lần buộc giao đất của cha mẹ để lại. Quá bức xúc, em trai tôi bỏ nhà đi, tôi đành chịu trận, nhiều lần “đáo tụng đình”. Tháng 6-2021, bản án sơ thẩm của tòa án không xem xét giải quyết các tình tiết quan trọng và ý kiến của cô chú biết rõ câu chuyện, chị em tôi bị buộc phải trả 256 triệu đồng; gần 3.600m2 đất ruộng của cha mẹ để lại bị phong tỏa” - bà Hiền bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Bé Hiền trình bày vụ việc
Cũng theo bà Hiền, trước khi mất, cha bà nhiều lần nhắc đến 30 triệu đồng mượn của bà nội và số nợ ông vừa vay ngân hàng chưa trả. “Đầu năm 2019, cha tôi vay 160 triệu đồng ở ngân hàng trên địa bàn huyện Phú Tân. Ngày 12-10-2020, chị em tôi lo gần 143 triệu đồng để tất toán ngân hàng. Về số tiền mượn của bà nội, trong quá trình tòa án thu thập chứng cứ, người chú thứ bảy, thứ chín và cô ba khẳng định, cha tôi “vay ké” 70 triệu đồng trong “giấy đỏ” của bà nội cùng các cô chú khoảng năm 2015-2019.
Quá trình xét xử, tôi chứng minh việc đóng lãi dùm ở ngân hàng cho ông Tròn, bà Định, nhưng không được xem xét. Tòa án nhận định họ vay 200 triệu đồng ở ngân hàng rồi cho cha mẹ tôi mượn không tính lãi. Họ luôn thay đổi về số tiền vay theo hướng cao hơn. “Biên nhận mượn tiền” do họ đưa ra, chứng minh cha tôi mượn 250 triệu đồng từ ngày 8-5-2019. Đây là giấy tờ giả mạo, không phải bút tích, điềm chỉ của cha tôi. Tôi đang giữ chữ viết, ký tên của cha tôi, mong tòa án cho đối chất, làm rõ về việc này” - bà Hiền bổ sung.
Tìm hiểu sự việc được biết, sau ngày ông Lẹ mất, xảy ra việc vợ chồng người em út đòi nợ. Do 2 người con thừa kế tài sản của vợ chồng ông Lẹ không đồng ý trả nợ, ông Tròn, bà Định khởi kiện vụ việc. Ngày 6-10-2020, TAND huyện Phú Tân thụ lý vụ án dân sự số 254/2020/TLST-DS tranh chấp “Đòi lại tài sản”. Mấy ngày sau, ông Tròn, bà Định bổ sung nội dung khởi kiện, yêu cầu người thừa kế trả 250 triệu đồng. Họ cung cấp “Biên nhận mượn tiền” ngày 8-5-2019. Ngày 23-10-2020, TAND huyện chấp nhận về việc thụ lý bổ sung theo yêu cầu của nguyên đơn.
Theo khởi kiện, vợ chồng ông Tròn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 6.051m2, đứng tên vay và ký tên nhận 200 triệu đồng ở ngân hàng từ năm 2016-2020. Sau khi nhận tiền, họ cho vợ chồng ông Lẹ mượn lại không tính lãi, nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ chứng minh, do nghĩ tình anh em. Bù lại, vợ chồng ông Lẹ đóng lãi và đáo hạn theo quy định. Sau ngày vợ chồng ông Lẹ mất, 2 người con thừa kế tài sản có trách nhiệm trả số tiền này. Bản án số 106/2021/DS-ST, ngày 24-6-2021 của TAND huyện Phú Tân buộc bà Nguyễn Thị Bé Hiền, ông Nguyễn Văn Huy Định liên đới trả 256 triệu đồng; tiếp tục duy trì việc phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ liên quan. Gia đình bà Hiền kháng cáo bản án sơ thẩm. Cuối năm 2021, TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử phúc thẩm, đang chờ công bố quyết định xét xử.
ThS Nguyễn Hồng Hoai, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo thông tin nói trên, nếu tòa án không xem xét hoặc xem xét không đầy đủ ý kiến của người trong cuộc và các tình tiết quan trọng, có liên quan của vụ việc, sẽ gây bất lợi cho bị đơn, chưa hoặc không phản ánh đúng bản chất của vụ án. Việc giao dịch của các bên buộc phải có văn bản ghi nhận, phải có chứng cứ, cơ sở để làm bằng chứng. Về việc vợ chồng ông Tròn cho người anh mượn 200 triệu đồng nhưng không làm giấy tờ, với lý do “anh em ruột với nhau”, là điểm rất cần được làm rõ. Trong quá trình xem xét vụ án, việc bổ sung nội dung khởi kiện là bình thường. Bên cạnh đó, “Biên nhận mượn tiền” ngày 8-5-2019 là vật chứng quan trọng, nếu đương sự cho là giả mạo, cơ quan xét xử chưa hoặc không xem xét, giải quyết, họ có quyền yêu cầu đối chứng, giám định để làm rõ.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khong-dong-y-ban-an-cua-toa-a323350.html