Không đủ cố gắng hay nỗ lực sai cách?
Làm thế nào để đặt ra mục tiêu phù hợp với bản thân còn quan trọng hơn cả cách thức hoàn thành mục tiêu.
Nếu những câu hỏi về sự nỗ lực dưới đây chỉ được phép chọn 1 trong 2, chắc rằng ai cũng sẽ đưa ra đáp án chính xác ngay lập tức:
“Muốn nâng cao trình độ tiếng Anh, tôi nên đi học tiếng Anh hay chơi game?”.
“Muốn có thân hình cân đối, tôi nên chạy bộ và tập thể dục hay uống trà hỗ trợ giảm cân?”.
“Muốn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, tôi nên đọc sách hay lướt mạng xã hội?”.
Những cuốn sách về tâm lý và cuộc sống nào cũng dạy chúng ta phải biết sắp xếp thời gian, làm những chuyện đúng đắn, sử dụng thời gian vào việc tạo ra giá trị.
Về mặt lý trí, con người dễ dàng phán đoán “đúng và sai”, “đáng và không đáng”. Chúng ta luôn hiểu rõ điều gì có lợi cho cuộc sống, điều gì không, nhưng mỗi lúc thực hiện thì quá trình lại khác hoàn toàn.
Vậy vì sao chúng ta không thể kiên trì làm những chuyện đúng đắn? Áp lực càng lớn càng bị phân tâm. Bạn càng muốn tự chủ thì bản thân càng mất kiểm soát. Bạn càng căm giận sự lười biếng của chính mình, “căn bệnh” biếng nhác càng phát tác nghiêm trọng hơn.
Bạn đã từng nghĩ đến có lẽ bản thân không đủ cố gắng, mà chính là vì nỗ lực sai cách chưa?
1. Ý chí không phải vô hạn
Chúng ta thường hiểu sai về ý chí, cho rằng nó là nguồn lực vô cùng vô tận. Nhưng thật ra, ý chí là thứ dễ dàng bị tiêu hao, thậm chí là biến mất hoàn toàn.
Giáo sư của trường Đại học Bang Florida - Roy F. Baumeister từng làm một thực nghiệm rất thú vị:
Nhóm người tham gia thử nghiệm được yêu cầu không ăn uống, sau đó chia thành 3 nhóm.
Một nhóm được trực tiếp làm bài thi toán học. Hai nhóm còn lại được điều đến một căn phòng, ngồi đối diện với bánh quy chocolate và cà rốt. Theo đó, một nhóm được ăn bánh quy, một nhóm chỉ được ăn cà rốt. Sau đó, hai nhóm được đưa trở lại phòng làm bài thi.
Kết quả, nhóm làm bài trực tiếp và nhóm ăn bánh quy kiên trì được 20 phút. Nhưng nhóm cà rốt chỉ kiên trì được 8 phút, vì ý chí của họ đã bị hao phí để cưỡng lại cơn thèm thuồng trước bánh quy.
Đó là lý do vì sao sau khi trải qua một ngày làm việc, mặc dù chúng ta biết rằng nên về nhà học tập thêm nhiều thứ, nhưng cuối cùng vẫn không thể cưỡng lại sức hút của game, phim ảnh và mạng xã hội.
Ý chí của chúng ta đã bị tiêu hao quá nửa vào công việc. Đến cuối ngày, con người sẽ tự động tiến vào trạng thái mệt mỏi, hiệu suất giảm sút, không thể kiểm soát, bắt đầu trì trệ…
Nghe nhạc, tản bộ, chơi đùa với thú cưng… nghỉ ngơi một chút hoặc tiếp nạp cho cơ thể một ít đường đều giúp ý chí của chúng ta dần được phục hồi.
2. Cố gắng quá độ, áp lực như núi
Tôi từng vạch ra cho mình kế hoạch sau tan làm như: Đọc 5 chương sách, học tiếng Anh 2 tiếng, tập thể dục nửa tiếng, luyện vẽ 1 tiếng…
Tôi mô phỏng danh sách này theo một cô thực tập sinh trong công ty, vừa mới tốt nghiệp 1 năm, đương nhiên nhiệt huyết căng tràn, ý chí hùng hồn. Nhưng qua một thời gian, tôi hỏi lại mới biết cô ấy không thể kiên trì được nữa.
Mỗi ngày đến phòng gym tập hơn 1 tiếng, nhưng khi trở về vì quá đói nên không thể cầm lòng mà mua gà rán ăn. Học tiếng Anh nửa tiếng, nhưng giữa chừng bị phân tâm xem điện thoại tận 2 tiếng.
Chúng ta thường khó tránh khỏi thói quen không tốt này. Giống như vừa mới tập chạy nhưng ép bản thân phải hoàn thành cả vòng sân vận động, gây nguy hại cho cơ thể, đồng thời còn khiến chúng ta không tìm thấy niềm vui trong nỗ lực.
Vì không thể chấp nhận hiện thực nên tự đặt cho bản thân mục tiêu quá tầm, vừa bị hiện thực thất bại “vả mặt” vừa khiến chính mình rơi vào vòng mệt mỏi khác.
Do vậy, làm thế nào để đặt ra mục tiêu phù hợp với bản thân còn quan trọng hơn cả cách thức hoàn thành mục tiêu.
3. Nhận định sai về đối tượng nỗ lực
“Nếu học tập được 1 tiếng, tôi sẽ tự thưởng cho mình 10 phút lướt điện thoại. Nếu kiên trì tập thể dục 20 ngày, tôi sẽ mua cho mình chiếc túi mới…”.
Thế nhưng bạn có nhận ra rằng bản thân đã mắc một sai lầm cực lớn, đó là mặc định “học tập”, “tập thể dục” là đau khổ; còn “lướt điện thoại”, “mua sắm” mới là vui vẻ?
Bản năng của con người là hưởng lợi tránh hại. Nếu bạn đã nhận định cho những gì mình đang nỗ lực theo cách như vậy thì liệu quá trình này có dài lâu?
Học tập, đọc sách, rèn luyện sức khỏe không chỉ có lợi cho hiện tại, mà còn về lâu về dài.
Thưởng cho mình vài niềm vui nho nhỏ sau quá trình cố gắng là chuyện nên làm, nhưng hãy định hướng lại tư tưởng đối với mục tiêu mình đang đặt ra. Chỉ có như vậy, quá trình phấn đấu mới bền bỉ, mục tiêu dễ bề hoàn thành.
(Nguồn: Zhihu)
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khong-du-co-gang-hay-no-luc-sai-cach-222022235155822319.htm