Không đủ nguồn cung, giá nhiều mẫu xe tay ga tiếp tục 'nhảy múa'
Không đủ nguồn cung, xe không có để bán đã khiến cho giá nhiều mẫu xe tay ga của Honda, Yamaha đang bị đội giá bán tại các đại lý ở Hà Nội.
Theo khảo sát của phóng viên VOV.VN tại một số đại lý xe máy ở Hà Nội, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của nguồn cung không đủ đáp ứng, nhiều mẫu xe tay ga của Honda hay Yamaha như: Vision, Air Blade, SH, Janus... đang bị đội giá khá cao so với niêm yết hoặc không có xe để giao cho khách.
Cụ thể, đối với mẫu xe tay ga Vision của Honda nhiều đại lý báo giá lên tới 44 - 53 triệu đồng/xe (tùy phiên bản, đại lý), cao hơn giá đề xuất đến 13 - 17 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, hầu hết các đại lý đều không có xe Honda Vision để bán. Còn mẫu xe Honda Air Blade thế hệ mới vừa ra mắt cũng đang rất khan hàng chỉ có tùy màu và phiên bản nhất định là có xe để giao cho khách, còn không phải đợi.
Khi được hỏi về giá của mẫu Honda Air Blade mới, một đại lý xe Honda ở Hà Nội cho biết, Air Blade 125 phiên bản tiêu chuẩn là 45 - 49 triệu đồng, chênh gần 3 -5 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất. Trong khi, phiên bản Air Blade 160 tiêu chuẩn có giá bán là 59 - 60 triệu đồng tùy đại lý, trong khi giá đề xuất chỉ ở mức 55,99 triệu đồng (chênh khoảng 4-5 triệu đồng/xe).
Dòng xe được nhiều chị em Việt Nam tin dùng là Honda Lead cũng bị chênh giá lên tới 47-54 triệu đồng/xe, cao hơn giá bán lẻ đề xuất khoảng 8 - 11 triệu đồng/xe (tùy phiên bản và đại lý).
Trong khi đó, các dòng xe tay ga cao cấp của Honda như SH mode, SH 150i hay Sh 350i cũng đang bị chênh giá từ 10 - 25 triệu đồng/xe tùy vào dòng xe mà khách lựa chọn.
Chia sẻ về việc giá xe tăng cao hơn giá đề xuất, một nhân viên kinh doanh của đại lý Honda tại Hà Nội cho biết, do nguồn cung không đủ đáp ứng nên giá các dòng xe tay ga đều bị tăng giá. Nếu khách hàng đồng ý mua giá đó thì may ra mới có xe, còn không thì cũng chưa biết phải đợi đến bao giờ. Thậm chí, hiện tại có rất nhiều khách hàng hỏi mua Honda Vision những cũng không có xe để bán.
Tương tự, một số mẫu xe ga của hãng Yamaha cũng đang rơi vào tình trạng chung với Honda, do nguồn cung chip khủng hoảng dẫn tới nhà máy không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Như mẫu Yamaha Janus phiên bản giới hạn hiện đang được một số đại lý rao bán lên tới 37 triệu đồng/xe, cao hơn 5 triệu đồng/xe so với giá bán lẻ đề xuất của hãng.
Theo một nhân viên kinh doanh của đại lý Yamaha ở Hà Nội, các mẫu xe tay ga khác của Yamaha như Freego, Grand hay Latte cũng đang trong tình trạng nguồn hàng không được dồi dào.
Mất cân bằng cung cầu và chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm tăng cao
Chia sẻ về việc nguồn cung bị hạn chế, đại diện Honda Việt Nam (HVN) cho biết, tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp để sản lượng các xe tay ga. Đặc biệt, kể từ tháng 4, HVN phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng sản xuất trung bình của một số mẫu xe ga sản xuất trong nước. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong những tháng tiếp theo khi hiện tại sản lượng dự kiến sẽ giảm khoảng hơn một nửa so với kế hoạch ban đầu.
"HVN luôn cố gắng đảm bảo một nguồn dự trữ hợp lí nhất định để cung cấp ra thị trường nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng trong sự tối ưu phương án hoạt động sản xuất để không ảnh hưởng đến sản lượng sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, chúng tôi cần nhấn mạnh tình huống khó khăn về nguồn cung là do khách quan mang lại và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, với bản chất là một công ty sản xuất chúng tôi cũng không tránh khỏi ngoại lệ. Hiện tại, chúng tôi đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp cải thiện tình hình" - đại diện HVN nói.
Còn về vấn đề giá cả bị chênh tại đại lý so với đề xuất, HVN bày tỏ, về tình trạng giá cả, như đã chia sẻ, do các chính sách kiểm soát và phong tỏa nghiêm ngặt Covid-19 tại các nước xuất khẩu bị siết chặt, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao dẫn đến những tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất và cung ứng một số mẫu xe tay ga của Công ty. Đây là tình trạng khó khăn chung của toàn thể ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung, HVN không phải là trường hợp ngoại lệ. Giá cả là yếu tố phản ánh sự vận hành của thị trường. Việc mất cân bằng cung cầu và chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm tăng cao.
HVN cố gắng đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải thiện tình hình và tối đa hóa nguồn cung ứng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham khảo của khách hàng và HEAD, HVN đã công khai giá bán lẻ đề xuất đồng thời cũng đã và đang khuyến nghị các HEAD cân nhắc bán xe cho người tiêu dùng theo Giá bán này trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích tối đa cho HEAD cũng như khách hàng.
Cũng theo đại diện HVN: "Trách nhiệm bán hàng và quyết định giá bán được các đối tác kinh doanh độc lập với HVN đảm nhiệm. Các đối tác kinh doanh độc lập HEAD (hệ thống cửa hàng do Honda Ủy nhiệm) có quyền chủ động đối với hoạt động bán hàng của mình trong sự hài hòa của các cam kết kinh doanh với HVN nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật nói chung và Luật cạnh tranh nói riêng.
HVN luôn hoạt động theo tinh thần tuân thủ pháp luật và luôn chia sẻ tinh thần này cho mọi đối tác của HVN. Tinh thần tuân thủ luật pháp được HVN khuyến nghị và chia sẻ định kỳ trong các buổi họp đại lý hàng năm và chúng tôi cũng tin rằng những hành vi sai phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi đã công khai Giá bán lẻ đề xuất với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham khảo của khách hàng và HEAD, trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích tối đa cho HEAD cũng như khách hàng"./.