Không đưa đất đai vào xử lý khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản là chưa phù hợp

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì khi góp vốn vào doanh nghiệp thì quyền sử dụng đất của người góp vốn sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp và sẽ được xử lý tương ứng với các tài sản khác của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị chấm dứt, giải thể hoặc phá sản.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở tổng hợp các đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội.

Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh Nhà nước có các chính sách để khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp và kỳ vọng các quy định này sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên thực tế và tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Về cơ bản, Dự thảo đã có các quy định về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp và dự báo sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong hoạt động này.

Dự thảo quy định các tiêu chí xác định nhà đầu tư được áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, trong đó có yêu cầu về quy mô dự án và có phương án sản xuất, kinh doanh/đầu tư dài hạn.

Theo VCCI, yêu cầu không đưa đất đai vào xử lý khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản là chưa phù hợp với pháp luật doanh nghiệp, phá sản.

Theo VCCI, yêu cầu không đưa đất đai vào xử lý khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản là chưa phù hợp với pháp luật doanh nghiệp, phá sản.

Tuy nhiên, các tiêu chí này quy định khá chung chung và chưa giải quyết được trường hợp: chỉ cần có phương án sản xuất hoặc dự án đầu tư thì các nhà đầu tư đều được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định tại Nghị định này? Dự thảo có quy định về việc dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng lại thiếu vắng các tiêu chí để cơ quan nhà nước căn cứ để chấp thuận hoặc từ chối?

Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư cùng muốn tập trung, tích tụ đất đai tại một địa điểm thì cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư như thế nào? Để đảm bảo tính minh bạch của chính sách, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

Theo Dự thảo thì khi thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm tỷ lệ vốn góp của người sử dụng đất, không đưa đất đai vào xử lý các quyền và nghĩa vụ có liên quan khi dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bị chấm dứt hoặc nhà đầu tư bị giải thể, phá sản theo quy định đối với trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với nhà đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, hoặc phá sản thì đất đai sẽ được trả lại cho người sử dụng đất theo phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoặc khôi phục lại đất nông nghiệp để bàn giao cho người sử dụng đất trong thời hạn 60 ngày kể từ khi chấm dứt việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, liên kết, hợp tác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của người sử dụng đất.

VCCI cho rằng, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì khi góp vốn vào doanh nghiệp thì quyền sử dụng đất của người góp vốn sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp và sẽ được xử lý tương ứng với các tài sản khác của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị chấm dứt, giải thể hoặc phá sản. Vì vậy, yêu cầu không đưa đất đai vào xử lý khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản là chưa phù hợp với pháp luật doanh nghiệp, phá sản.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn góp của người góp vốn sẽ thay đổi khi doanh nghiệp tăng vốn nhưng người góp vốn không góp thêm vào (tỷ lệ này sẽ giảm). Do đó, yêu cầu bảo đảm tỷ lệ vốn góp trong mọi trường hợp là chưa phù hợp.

Theo phản ánh của doanh nghiệp việc khôi phục lại đất nông nghiệp sau khi đã sử dụng là khá khó khăn, thậm chí là bất khả thi nhất là trong trường hợp một phần diện tích của đất nông nghiệp đã được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (công trình thủy lợi, …).

Theo VCCI, các quy định này suy đoán, nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất góp vốn, tuy nhiên lại không phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ và điều chỉnh lại các quy định này để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-dua-dat-dai-vao-xu-ly-khi-doanh-nghiep-lam-vao-tinh-trang-giai-the-pha-san-la-chua-phu-hop-172764.html