Không đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá

y ban Thường vụ Quốc hội không đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Tại tờ trình, Chính phủ cho biết, qua thực tế tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật Giá thời gian qua cho thấy mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa không thực sự hiệu quả. Từ đó, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội.

Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá.

Theo đó, thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do đó, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, sản phẩm sách giáo khoa không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giá. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không quyết định việc không đúng thẩm quyền. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa Luật Giá hoặc bằng Nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng sách giáo khoa vào những hàng hóa mà Nhà nước được định giá khung tối đa, tức thay lại nguyên tắc của Nhà nước định giá để chuẩn bị cho năm học sau. Đối với năm học này sẽ áp dụng theo giá đã thẩm định, trường hợp khó khăn Nhà nước có chính sách hỗ trợ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý xã hội hóa gắn với kinh tế thị trường thì cũng không nên bó buộc là phải đẹp hơn, là phải tốt hơn, sang trọng hơn, phù hợp cho tầng lớp cao hơn, mà có thể ra đời một bộ sách in nhiều loại để phù hợp với các đối tượng.

Mặt khác, công cụ về giá công cụ về giá là một quá trình lịch sử mấy chục năm mới giải quyết được, không đơn giản muốn đưa vào kiểm soát là kiểm soát. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị phải nghiên cứu rất kỹ để quyết định vấn đề này.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng bộ sách lớp 1 đã được chọn, in ấn, được mua. Sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá theo Luật giá. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định cũng phải nằm trong danh mục của Luật giá. Chính vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại, có cái nhìn căn cơ tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ, đánh giá báo cáo Quốc hội ở cấp độ nghị quyết của Quốc hội, hoặc sửa lại Luật giá.

Do chặng đường dài, tác động lớn, thậm chí phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền nên không thể quyết định vội vàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại hồ sơ cho Chính phủ để tiếp tục thực hiện, còn lại thực hiện theo chính sách hiện hành.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-dua-sach-giao-khoa-vao-danh-muc-hang-hoa-nha-nuoc-dinh-gia-post86364.html