Không đưa vào chương trình các dự án luật chưa chuẩn bị kỹ, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh

Tham gia thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 sáng 23.5, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề nghị các bộ chủ trì đề xuất; Bộ Tư pháp, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành từ giai đoạn đầu lập đề nghị xây dựng luật; kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật khi chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, ngày 14.10.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Thực hiện Kết luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngay ban hành Kế hoạch số 81 ngày 5.11.2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Có thể nói, Kết luận 19 là kim chỉ nam và Kế hoạch 81 là sáng kiến nổi bật, có tính đột phá trong công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch 81, là việc tổ chức nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết. Theo đó, có tới 137 nhiệm vụ lập pháp cần được tiến hành. Cho đến nay, hầu hết nhiệm vụ rà soát đã được hoàn thành, nhất là những nhiệm vụ có tiến độ đến 31.12.2022.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu Kim Anh cho rằng, trong quá trình thực thi, cử tri phản ánh: công tác rà soát luật có nơi vẫn còn tình trạng hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, một số báo cáo rà soát luật chưa rõ định hướng sửa đổi, chưa xác định cụ thể tiến độ xây dựng luật, như Luật Bưu chính, Luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế...; có Luật đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét, xây dựng là luật sửa đổi (như Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật)...

Đại biểu nhấn mạnh, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 11 nghị quyết điều chỉnh Chương trình, thể hiện sự đồng hành, quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội với Chính phủ, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ tính dự báo chưa cao của các cơ quan của Chính phủ trong việc đề nghị xây dựng Luật phải thường xuyên thay đổi để theo kịp với tình hình mới. Một số luật quan trọng, vướng mắc nhiều trong thực tiễn nhưng chậm được nghiên cứu, rà soát để sửa đổi toàn diện, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công,... Dẫn đến phải xây dựng luật sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, chưa bảo đảm tính ổn định và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Có Luật cần phải được đề xuất sửa đổi, bổ sung sớm, như Luật Khoa học Công nghệ, theo Kế hoạch 81 dự kiến Chính phủ đưa vào Chương trình năm 2022 - 2025. Tuy nhiên, theo Báo cáo rà soát số 842 ngày 20.4.2022 thì Bộ Khoa học công nghệ lại đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II.2025, trong khi có nhiều chính sách được quy định trong Luật Khoa học công nghệ năm 2018 đến nay đã bộc lộ những bất cập, chẳng hạn như: quy định về ứng dụng khoa học công nghệ, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ; đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, cụ thể là quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ Năm, khối lượng công tác lập pháp rất đồ sộ, có số lượng dự án Luật trình Quốc hội thông qua và dự kiến cho ý kiến tổng cộng tới 17 dự án luật và 3 nghị quyết, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Quốc hội chia sẻ với Chính phủ đã tích cực rà soát, đề nghị sửa đổi nhiều Luật quan trọng để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng thực sự là thách thức đối với đại biểu quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh đề xuất một số biện pháp:

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ về sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Khi các Bộ, cơ quan đề xuất phải làm rõ sự cần thiết, tác động các chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm sàng lọc thuộc về Bộ Tư pháp, Chính phủ, và các cơ quan của Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua các đề nghị xây dựng các dự án luật.

Thứ hai, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; yêu cầu Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan của Chính phủ phải nghiêm túc tuân thủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm luật.

Thứ ba, Các bộ chủ trì đề xuất; Bộ Tư pháp, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành từ giai đoạn đầu lập đề nghị xây dựng luật; kiên quyết không đưa vào Chương trình các dự án luật khi chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh.

Thứ tư, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội từ khi nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật; phối hợp từ sớm, từ xa để thường xuyên cập nhật dự thảo mới sau khi tiếp thu, chỉnh lý ở từng giai đoạn, để có phản ứng nhanh, kịp thời, nhất là trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần kiên quyết hơn nữa, chỉ đưa vào Chương trình những dự án Luật thực sự cần thiết, nhưng có tính đến số lượng luật tối đa được đưa vào Chương trình trong từng kỳ họp, để không vượt quá ngưỡng, quá tải về số lượng, có thể ảnh hưởng tới chất lượng của văn bản luật; đồng thời, kiên quyết trả lại hồ sơ những dự án Luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc quá chậm về thời gian trình so với quy định.

PV

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/khong-dua-vao-chuong-trinh-cac-du-an-luat-chua-chuan-bi-ky-chua-du-dieu-kien-chua-ro-ve-chinh-sach-co-ban-va-pham-vi-dieu-chinh-i329813/