Không dừng ở giải trí, ứng dụng TikTok sẽ sớm soán ngôi Shopee?

Không còn là ứng dụng giải trí, TikTok giờ đây đang trở thành đối thủ bán hàng đáng gờm của các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki.

Trào lưu bán hàng trên TikTok

Từ học sinh trung học, Harry Potter đến siêu anh hùng - Fredi Lugina Priadi có thể mặc cho chú mèo của anh mọi bộ trang phục.

Fredi đã trở thành một hiện tượng mạng xã hội vào năm 2020, với clip về chú mèo mặc nhiều loại quần áo khác nhau với dáng đi lạch bạch đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên TikTok.

Anh thường sử dụng nền tảng thương mại điện tử Shopee để bán quần áo thú cưng tự may, nhưng khi chức năng mua sắm TikTok được triển khai, Fredi đã ngay lập tức chuyển hướng.

"Tôi tạo nội dung trước hết để giải trí, để vui cười", Fredi nói. Sản xuất nội dung tại nhà của mình ở khu vực Bogor, phía nam thủ đô Jakarta, Indonesia, kênh TikTok của người đàn ông này đã đạt gần nửa triệu người theo dõi.

"Nhưng thực ra, đó là một cơ hội tốt mà TikTok mở ra cho các cá thể kinh doanh nhỏ như tôi, cho những người thợ thủ công".

TikTok là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất năm 2021 ở Đông Nam Á, theo Data.ai.

Kể từ tháng 2 năm đó, công ty mẹ ByteDance đã mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách thử nghiệm TikTok Shop với các cá thể kinh doanh như Fredi ở Indonesia, cũng như ở Anh. Chức năng của ByteDance đã mở rộng trên khắp Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Trong khi Đông Nam Á có những gã khổng lồ thương mại điện tử như Lazada do Alibaba hậu thuẫn, Shopee thuộc sở hữu của Sea - ByteDance đã định vị TikTok Shop là bước phát triển tiếp theo trong mua sắm trực tuyến, có hiệu ứng gây nghiện hơn vì được hỗ trợ bởi thuật toán tinh vi của TikTok, và thú vị hơn khi được xen giữa vào lớp cuộn video vô tận trên nền tảng.

Sử dụng TikTok Shop, người bán có thể thêm tab mua sắm vào bảng tin TikTok hiện có, cho phép người mua hàng thao tác mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Tuy nhiên, để trở thành một điểm đến mua sắm, các chuyên gia cho biết, TikTok Shop sẽ không chỉ phải đối mặt với những thách thức tương tự như các sàn thương mại điện tử đương thời - như hậu cần phức tạp và áp dụng thanh toán điện tử không đồng đều - mà còn phải thuyết phục các chủ doanh nghiệp nhỏ nỗ lực tăng cường hình ảnh và thuyết phục người tiêu dùng xem ứng dụng này không chỉ là giải trí.

Theo Fredi những người theo dõi của anh vẫn còn ngạc nhiên khi biết họ có thể mua sắm trên ứng dụng video ngắn yêu thích của mình.

Đối thủ cạnh tranh của Shopee

Theo báo cáo gần đây của Google, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á với tiềm năng đạt quy mô 1 nghìn tỷ USD , từ lâu đã thu hút các công ty thương mại điện tử liên tục tìm kiếm mục tiêu khách hàng lớn.

Mặc dù thay đổi theo quốc gia, Shopee hiện chiếm khoảng 60% lưu lượng truy cập thương mại điện tử trong khu vực và Lazada là khoảng 30%. Các nền tảng địa phương, như Tiki ở Việt Nam và PGMall ở Malaysia, chiếm phần lớn còn lại.

Các chuyên gia nói rằng thuật toán đề xuất của TikTok, cho đến nay đã mang lại một lợi thế so với các hình thức giải trí video ngắn khác, có tiềm năng làm cho nền tảng này khác biệt với thương mại điện tử dựa trên web truyền thống.

"Dường như không có bất kỳ nền tảng nào có khả năng sao chép các thuật toán của TikTok", Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng tại Tellimer Research ở Singapore cho biết.

"Cái hay của TikTok là đối với những người đăng video, họ được kết nối với một lượng lớn khán giả, gồm những người mua tiềm năng".

Không có dữ liệu về số lượng người dùng TikTok chọn tham gia chức năng Shop, nhưng theo dữ liệu từ Sensor Tower, ứng dụng TikTok Seller, một ứng dụng độc lập được sử dụng để quản lý cửa hàng TikTok, đã có khoảng 18.000 lượt cài đặt ở Indonesia tính đến thời năm 2021.

Đó là một phần nhỏ so với con số trên Lazada và Shopee, với hơn 2 triệu người bán hàng địa phương chỉ tính riêng ở Malaysia.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thương mại điện tử video ngắn thuộc một danh mục riêng, bởi phương tiện này rất khác so với các nền tảng thị trường dựa trên web.

Để có thể bán hàng trên TikTok Shop thành công, chủ doanh nghiệp cũng cần phải có kỹ năng quảng cáo sản phẩm trong các đoạn video ngắn - một kỹ năng rất khác so với thị trường trực tuyến truyền thống.

Hơn sáu tháng sử dụng TikTok Shop, Fredi đã tổ chức tới năm buổi phát trực tiếp mỗi tháng để giới thiệu sản phẩm của mình, kiếm thêm khoảng 5-10 phần doanh thu sau mỗi video. Tuy nhiên, Fredi thừa nhận anh và các khách hàng của mình vẫn xem nền tảng này như một điểm đến giải trí.

"Tôi đã nghiên cứu nó trong một thời gian dài, và vẫn không thực sự hiểu cách bán hàng trên TikTok. TikTok là mạng xã hội - không phải thị trường", anh nói.

Mạnh Kiên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khong-dung-o-giai-tri-ung-dung-tiktok-se-som-soan-ngoi-shopee-20221112113819072.htm