Không dùng sản phẩm nhựa một lần trong công sở: Hà Nội quyết tâm thay đổi thói quen
Với mục tiêu từ năm 2020 không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, Hà Nội thực sự bước vào 'cuộc chiến xanh' với hành động quyết liệt.
Nhiều cơ quan, đơn vị vào cuộc
Thực tế cho thấy, việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong công sở khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa đã trở thành một thói quen của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân. Trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc cũng sử dụng rất nhiều túi nilon khó phân hủy. Mặc dù tiện lợi nhưng việc làm đó không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ ra quân và phát động phong trào chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức cách đây hơn 2 tháng, đã có nhiều các cơ quan hành chính Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội… trên địa bàn TP có những động thái và hành động cụ thể trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa tại nơi làm việc.
Trong đó có thể kể đến như: Hội Liên hiệp phụ nữ TP đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trong các cấp hội phụ nữ toàn TP và trao tặng 500 bình đựng nước thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần cùng túi vải thân thiện với môi trường. Sở TN&MT Hà Nội ngoài việc thực hiện nghiêm túc không sử dụng sản phẩm nhựa một lần tại các hoạt động của cơ quan, còn phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng các cơ sở sản xuất túi nilon; phối hợp với Sở GD&ĐT để thu gom tái chế vỏ hộp sữa, ống hút trong nhà trường... Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành, phòng y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa phù hợp với thực tế địa phương. UBND quận Thanh Xuân đã thực hiện sử dụng chai lọ bằng thủy tinh, inox đựng nước trong các cuộc họp, hội nghị; tại các phòng ban sử dụng các bình nước có thể tích lớn và được cán bộ, công chức, người lao động rất hưởng ứng.
Đây thực sự là những hành động thiết thực có tác động lớn tới cộng đồng. Thế nhưng, hiện vẫn còn không ít đơn vị sở, ngành, quận, huyện chưa triển khai quyết liệt chủ trương hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường - chuyên viên Phòng TN&MT huyện Thanh Trì cho rằng, từ việc tuyên truyền đến hành động vẫn còn nhiều khoảng cách lớn, để thay đổi được nhận thức thói quen là điều không phải dễ. "Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức các buổi thu gom, phân loại rác, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khuyến khích người dân cũng như cán bộ, người lao động giảm bớt sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Tại nơi làm việc cũng đã hạn chế dùng chai nước bằng nhựa nhưng chưa triệt để, vì mọi người vẫn chưa thay đổi được thói quen dùng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần” - ông Cường cho biết.
Khó vẫn phải làm
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3549/UBND - ĐT yêu cầu các cơ quan hành chính Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó nêu rõ, từ ngày 1/9/2019, UBND TP thực hiện cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Cụ thể, không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330 – 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác chuyển sang các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần và các vật liệu thân thiện với môi trường; Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan làm việc; hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính TP không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông (Bộ TN&MT) đánh giá cao về việc TP Hà Nội đã sát sao trong việc chỉ đạo và quyết tâm thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong công sở. “Việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các đơn vị trực thuộc TP là hành động nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa lớn, tạo tiền đề và tác động tích cực đến ý thức của người dân. Việc triển khai có thể sẽ gặp những khó khăn, thách thức nhưng khó vẫn phải làm, tôi tin Hà Nội sẽ làm được. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm được các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, vì nếu tiện dụng thì chắc chắn họ sẽ hạn chế sử dụng đồ nhựa” - ông Nguyễn Việt Dũng phân tích.