Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19
Sáng 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng được chia thành 2 phòng riêng biệt, các đồng chí: Phan Văn Sáu – Bí thư Tỉnh ủy; Lâm Văn Mẫn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Nhiều nước được dự báo gặp suy thoái kinh tế, kể cả Mỹ, Nhật Bản và EU nếu dịch không sớm kết thúc. Trong bối cảnh đó, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.
Đối với nước ta, dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011; tuy nhiên đây là mức tăng cao nhất khu vực. Các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.
Hội nghị lần này nhằm huy động các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến “nguy thành cơ”, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm dịch Covid–19 trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội. Về vấn đề chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị với các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch. Các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm. Về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời, có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.
Tại Sóc Trăng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai bố trí khu cách ly ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện. Do ảnh hưởng của Covid–19 các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều; một số doanh nghiệp giảm lượng xuất khẩu ở một số thị trường ở Mỹ và một số nước châu Âu; ngành du lịch và vận tải – dịch vụ thương mại bị ảnh hưởng doanh thu liên tục. Trong giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp khó khăn; công tác giải quyết việc làm trong nước bị ảnh hưởng do chưa thể tổ chức các phiên giao dịch việc làm… Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, có chính sách giảm thuế suất và miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; cho ứng trước ngân sách để thực hiện một số dự án về phòng, chống hạn, mặn và nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính khoanh thuế không phạt trả dần tối đa 3 - 5 năm đối với một số doanh nghiệp lỗ trên 70%.