Không được ép buộc tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sau khi chất vấn hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao.
Ngày 10/4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Tại Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực tài chính, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm.
Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nghị quyết nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh xổ số; sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Yêu cầu hậu chất vấn còn là tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xây dựng, phát triển hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện đại, đội ngũ công chức hải quan các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai Hải quan số.
Chủ động, kịp thời phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các Bộ, ngành, địa phương. Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải..., không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, Nghị quyết nêu.
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Nghị quyết nêu, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trong đó, tập trung vào các Điều ước, thỏa thuận quan trọng.
Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp song phương. Kịp thời cảnh báo các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại để kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp; hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Xây dựng tiêu chuẩn và triển khai các giải pháp để phát triển có hiệu quả ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo (Halal) tại Việt Nam, mở rộng tiếp cận thị trường Halal còn nhiều tiềm năng.
Sau chất vấn, ngành ngoại giao cũng được yêu cầu phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch. Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả, sáng tạo hơn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại.
Nhiệm vụ của ngành ngoại giao còn là nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Rà soát, hoàn thiện các quy chế, cơ chế tài chính, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân, có phương án để sẵn sàng sơ tán công dân, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra xung đột; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng; hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân bị cưỡng bức lao động và nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai việc bảo hộ công dân.
Nghị quyết cũng nêu yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao. Nghiên cứu chế độ, chính sách gắn với hàm, cấp ngoại giao đối với cán bộ ngoại giao trong nước; chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu đối ngoại, cân đối với mặt bằng chung của khu vực ASEAN. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, thu hút nhân tài.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại; nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp. Khẩn trương ban hành Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.