Không được ép dân từ chối nhận tiền hỗ trợ

Sau sự việc hàng nghìn người khó khăn từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước.

Người dân nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Như Ý

Người dân nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Như Ý

Sáng 15/5, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 30 ngày qua, Việt Nam có thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng. Đặc biệt, sau sự việc hàng nghìn người khó khăn từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.

Đối với việc đưa người Việt Nam là người già, trẻ em, người bị kẹt ở một số nước về Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao công bố các tiêu chí về trường hợp đưa về nước để tiếp tục xem xét, bố trí theo lộ trình. Ngành du lịch cũng như ngành ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GD&ĐT, các địa phương trong việc đưa học sinh trở lại trường với gần 100% sĩ số và hiện chưa có sự cố nào.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện một số nhiệm vụ.

Trước hết là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời.

Với việc không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch để thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng VH-TT&DL sẽ báo cáo lên Thủ tướng để xem xét.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thu hút các dòng đầu tư, có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam để phát triển, đầu tư, làm ăn lâu dài có hiệu quả; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19.

25 ca mắc mới COVID-19

Ngày 15/5, Bộ Y tế cho biết, bước sang ngày thứ 29 Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên trong ngày ghi nhận 25 ca dương tính với SARS-CoV-2 là những hành khách nhập cảnh qua đường hàng không.

Cụ thể, 24 hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2 về nước trên chuyến bay VN0062 từ Mátxcơva (Nga) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) lúc 4h40 sáng 13/5 đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Trong số 24 ca dương tính này có 23 ca có tình trạng sức khỏe ổn định, 1 ca có biểu hiện viêm phổi.

Chiều cùng ngày Bộ Y tế ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới là hành khách trên chuyến bay VN0088 từ Dubai về nước hôm 3/5. Bệnh nhân là nam giới, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Yên Thành, Nghệ An. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng COVID-19, sức khỏe ổn định và được cách ly tại khu cách ly tập trung Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Trong đợt lấy mẫu xét nghiệm ngày 13/5 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Như vậy, đến thời điểm này nước ta có 313 ca COVID-19. Ngoài ra Việt Nam đã có 260 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Hiện còn 53 bệnh nhân đang điều trị tại 7 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến chiều 15/5, Trung tâm đã nhận được gần 50 lời đề nghị được tặng một phần phổi của bản thân để ghép cho bệnh nhân COVID-19 thứ 91. Đây là phi công người Anh đang điều trị tại Việt Nam. Cũng theo thông tin từ Trung tâm, những người đăng ký hiến một phần phổi ở độ tuổi từ 21 đến 71 và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như bác sĩ, điều dưỡng, nhà báo, bộ đội... Một số cá nhân còn bày tỏ được góp kinh phí nếu ca ghép được triển khai.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân số 91 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch: “Tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân này rất nặng, hiện chỉ còn khoảng 10%. Nếu không ghép phổi thì khả năng tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới hiện đã có 3 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng ghép phổi thành công. Việt Nam cũng đã ghép phổi thành công một số trường hợp trước đó. Do vậy, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực và trình độ để ghép phổi cho bệnh nhân số 91. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não vì bệnh nhân cần ghép toàn bộ phổi.

Văn Kiên-Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-duoc-ep-dan-tu-choi-nhan-tien-ho-tro-1658501.tpo