Không được mượn danh nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng
Tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng dưới nhiều hình thức đã gây không ít hệ lụy trong nhận thức của người tiêu dùng.

Một đoạn quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Ảnh chụp màn hình
Bằng việc mặc áo blouse trắng, sử dụng danh xưng nghề nghiệp hoặc xuất hiện trong các video, bài viết mang tính chất tư vấn, những cá nhân này vô tình hoặc cố ý khiến người xem hiểu lầm rằng sản phẩm đang được quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh như thuốc. Thực tế, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, hành vi này là trái pháp luật. Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên tuổi, thư cảm ơn của các đơn vị y tế hoặc của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Sự nhập nhằng giữa quảng cáo thực phẩm chức năng và quảng cáo thuốc không chỉ đánh lừa cảm giác an tâm của người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm lòng tin vào giới chuyên môn và hệ thống y tế.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng. Ngày 17/4/2025, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2310/BYT-ATTP đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các Viện trực thuộc Bộ Y tế; các Trường Đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; các Hội, Hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của Đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên; đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.
Các quy định xử phạt hiện hành cũng đã rất rõ ràng. Theo Khoản 4 Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng hình ảnh, uy tín của thầy thuốc để quảng cáo thuốc có thể bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị buộc tháo gỡ quảng cáo hoặc thu hồi toàn bộ sản phẩm in ấn chứa nội dung sai phạm để khắc phục hậu quả. Tương tự, Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng với nội dung gây hiểu nhầm là thuốc, hoặc lợi dụng uy tín chuyên môn y tế để truyền đạt nội dung quảng cáo trá hình qua các phương tiện truyền thông.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, việc bảo đảm tính minh bạch, trung thực trong quảng cáo là yêu cầu cấp thiết. Các bác sĩ, dược sĩ – với vai trò là người bảo vệ sức khỏe cộng đồng – càng cần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, tránh trở thành công cụ tiếp thị trá hình cho những sản phẩm chưa được kiểm chứng đầy đủ.