Không được nợ lương, trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ). Đồng thời, luật nghiêm cấm hành vi trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Do không hiểu biết pháp luật, ngại va chạm nên không ít NLĐ mặc nhiên chấp nhận để giữ việc làm. Đến khi NSDLĐ cho nghỉ việc, họ mới biết quyền lợi bị thua thiệt nhưng chuyện thì đã rồi.
* Lương phải được trả đúng hạn
Theo thỏa thuận giữa một chủ thầu công trình xây dựng ở TP.Biên Hòa với nhóm thợ, trong đó có ông Bé Chín (quê tỉnh Sóc Trăng) thì ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 7 ngày (ngày chủ nhật nghỉ), ngày làm việc đầu tuần tiếp theo sẽ được nhận lương cho tuần làm việc trước đó. Tuy nhiên, đến ngày làm việc thứ 3 của tuần thứ 4, nhóm thợ vẫn chưa nhận được đồng lương nào suốt thời gian đã làm. Người nào bức xúc đứng ra đòi thì bị chủ thầu cho nghỉ việc, đồng thời bị trừ 100 ngàn đồng/ngày nghỉ việc (dù có phép hay không xin phép) khi nhận lương.
“Tôi sợ bị đuổi việc nên không có ý kiến phản đối. Tuy vậy, tôi vẫn muốn biết cách xử sự của chủ thầu như vậy đúng hay sai?” - ông Bé Chín hỏi.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) phân tích, do hợp đồng lao động giữa các bên thuộc dạng hợp đồng giao kết dưới 1 tháng nên việc các bên thỏa thuận, giao kết bằng lời nói là phù hợp với pháp luật lao động. Tuy nhiên, dù là giao kết bằng lời nói nhưng các bên đã thỏa thuận với nhau là ngày làm việc đầu tuần tiếp theo sẽ được nhận lương cho tuần làm việc trước đó nên việc chủ thầu chậm trả lương là không đúng với thỏa thuận. Bởi vì, tại Khoản 1, Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, NLĐ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp 1 lần.
Bên cạnh đó, việc ông chủ thầu trừ tiền công của NLĐ 100 ngàn đồng/ngày nghỉ việc là trái với Khoản 2, Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019. Bởi vì, điều luật nghiêm cấm hành vi phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
“Do chủ thầu không trả lương đầy đủ, đúng hạn, trừ lương tùy tiện nên ông Bé Chín và những người khác có quyền đề nghị người chủ thầu chấm dứt hành vi sai trái đó và trả lương đầy đủ, trả lại tiền trừ lương sai trái cho các ông. Hoặc các ông có thể khiếu nại đến phòng LĐ-TBXH nơi công trình các ông đang làm để được bảo vệ quyền lợi” - luật gia Phạm Đình Đức hướng dẫn.
* Thế nào là lương tối thiểu vùng?
Do lần đầu đi làm công nhân, chị Phạm Thị Tuyết (quê tỉnh Trà Vinh, ngụ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) được một chủ cơ sở ở P.Long Bình ký hợp đồng chính thức không qua thử việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn được trả thêm tiền tăng ca, xăng xe, chuyên cần khoảng 2 triệu đồng. Khi chị Tuyết cầm bảng lương tháng đầu khoe với bạn đồng hương ở cùng dãy trọ, người bạn này nói với chị rằng chủ xưởng trả lương như vậy là sai, vì trước ngày 1-7-2022, lương tối thiểu vùng là 4,42 triệu đồng/tháng đối với khu vực TP.Biên Hòa (vùng 1). Do đó, chị phải khiếu nại với chủ xưởng tính lại lương cho đúng.
Vì không hiểu thế nào là lương tối thiểu vùng nên chị Tuyết được bạn dẫn tới Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ tư vấn và được luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh giải thích mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC cho biết, khi NSDLĐ có hành vi trả lương cho từ 1-10 NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho NLĐ. Nội dung này được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Cũng theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15-11- 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương tối thiểu vùng 1 nơi chị Tuyết làm việc là 4,42 triệu đồng/tháng (áp dụng tới ngày 30-6-2022). Cho nên, việc chủ xưởng ký hợp đồng lao động với chị mức lương tối thiểu vùng 4 triệu đồng/tháng trong tháng 6-2022 là trái với nghị định này.
Đồng thời, luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết thêm, tới ngày 1-7-2022, mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP) đối với khu vực TP.Biên Hòa nơi chị Tuyết làm việc được điểu chỉnh lên 4,68 triệu đồng/tháng (tăng so với trước 260 ngàn đồng/tháng). Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, chị Tuyết có quyền yêu cầu chủ xưởng điều chỉnh lại mức lương tối thiểu vùng trong hợp đồng cho chị trong tháng 6 và cả tháng 7-2022.